Đổi thay từ nước
Trong sản xuất nông nghiệp, nước là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định năng suất, sản lượng cây trồng. Có thể thấy rõ điều đó khi chứng kiến sự đổi thay ở những vùng đất được tưới tắm bởi dòng nước mát từ hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Thủy lợi đi trước
Những ngày cuối năm, vùng cánh Bắc huyện Tây Sơn trời rất trong và nắng rất vàng. Khắp nơi, từ Bình Tường ra Bình Thành, Bình Tân, Bình Thuận... chúng tôi cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của đời sống bà con. Và trong những cuộc trò chuyện, chia sẻ với chính quyền và người dân, tất thảy đều khẳng định sự đổi thay này bắt đầu từ nước - khi hợp phần khu tưới Văn Phong đi vào hoạt động hơn 5 năm qua.
Năm 2018, xã Bình Thuận đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là minh chứng tiêu biểu cho cuộc đổi thay từ nước. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: Hàng trăm hecta đất lâu nay phải chịu cảnh ăn nước trời trên địa bàn đã được thâm canh sản xuất có hiệu quả sau khi no nước từ hợp phần khu tưới Văn Phong. Qua từng năm, diện tích và năng suất các loại cây trồng chính ở địa phương đều tăng, nhất là cây đậu phụng. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Bình Thuận đã xuống giống khoảng 560 ha đậu phụng, tăng trên 230 ha so với năm 2015, trong đó có 5 ha trồng theo chuẩn VietGAP. Hầu như năm nào đậu phụng cũng được mùa được giá, nông dân có lãi bình quân 45 - 50 triệu đồng/ha với thời gian trồng chỉ 3 tháng.
Hơn ai hết, những nông dân từng khô héo tâm tư trên những trảng cát trắng khô khốc ở Bình Thuận là những người hiểu rõ giá của nguồn nước tưới và càng trân quý những cánh đồng đậu phụng đang xanh um, tươi tốt hiện hữu. Ông Nguyễn Văn Dư (ở thôn Hòa Mỹ) chia sẻ: “Từ khi nguồn nước dồi dào, bà con đều chuyển đổi sang trồng đậu phụng và khá lên rất nhanh. Như nhà tôi có gần 10 sào đất, mỗi năm tôi thu về gần 100 triệu đồng từ trồng đậu phụng và bắp”.
Mà không chỉ có đậu phụng, ở những nơi hợp phần khu tưới Văn Phong vươn tới, bà con nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi cây bạch đàn, mì kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, như quýt đường, bưởi, mít thái, mãng cầu, dừa xiêm lùn..., mang lại hiệu quả, tăng thu nhập.
Toàn tỉnh có 4 hệ thống sông lớn gồm: Sông Côn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang. Hệ thống công trình thủy lợi ở 4 sông hiện có 163 hồ chứa (dung tích từ 50.000 m3 trở lên), 278 đập dâng, 258 trạm bơm, 28 hệ thống dẫn chuyển nước, 166 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp (tưới được hơn 127.950 ha đất gieo trồng và cấp nước ngọt cho gần 2.380 ha mặt nước nuôi thủy sản).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương chia sẻ: Hợp phần Khu tưới Văn Phong (gồm hệ thống đập dâng và kênh tưới) đã phát huy hết công suất thiết kế của công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình. Khi chưa có hệ thống đập dâng Văn Phong, nước hồ Định Bình chỉ tưới được 27.600 ha đất sản xuất nông nghiệp rồi trôi tuột ra biển. Từ khi có đập, đã thỏa cơn khát cho thêm 10.125 ha đất sản xuất nông nghiệp ở những vùng đất khác.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn Lê Hà An nhìn nhận: Nguồn nước dồi dào từ hợp phần khu tưới Văn Phong là một trong những cơ sở để huyện thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, chú trọng sản xuất theo chuỗi. Riêng năm 2021, huyện đã chuyển đổi 306,5 ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn, tăng 39,9 ha so với năm 2020, lợi nhuận cao hơn từ 4 - 20 triệu đồng/ha so với trước.
Tạo bước đột phá cho nông nghiệp
Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống thủy lợi, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phát triển nông nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân và sự đóng góp tiền, của, ngày công lao động của nhân dân để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, trong đó tập trung vào việc cải thiện hệ thống thủy lợi ở những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhằm góp phần nâng cao sản lượng và giá trị nông sản. Song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tỉnh cũng chú trọng phân cấp, phân quyền nhằm khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi sau đầu tư.
Theo tính toán, nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã tưới được 85% diện tích gieo trồng của tỉnh. Không chỉ cung cấp nước tưới, các công trình thủy lợi còn phục vụ tốt cho việc sinh hoạt. Trong đó, có khoảng 152.000 m3 nước/ngày khai thác dọc sông phục vụ sinh hoạt.
Có thể thấy, công tác đầu tư hạ tầng, phát triển thủy lợi, khai thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu đã và đang tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương cho biết thêm: “Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp để tiếp tục chuyển nước lưu vực nội tỉnh. Đặc biệt là bổ sung nước từ hệ thống thủy lợi Sông Côn - Hà Thanh sang sông La Tinh. Mở rộng dung tích hồ Định Bình thêm khoảng 150 triệu m3 với mục tiêu cắt lũ, giảm ngập cho vùng hạ du, đồng thời tạo nguồn nước chuyển cho lưu vực La Tinh (Phù Cát, Phù Mỹ) là những vùng thường xuyên bị khô hạn”.
HỒNG PHÚC