Thừa nhận vi phạm quy định phong tỏa, Thủ tướng Anh đối mặt nguy cơ mất chức
Sức ép yêu cầu từ chức từ dư luận và chính giới Anh đang ngày càng gia tăng với Thủ tướng Anh Boris Johnson sau khi ông thừa nhận đã tham gia bữa tiệc đông người tổ chức tại chính Văn phòng Thủ tướng Anh vào tháng 5.2020, thời điểm mà nước Anh đang phải phong tỏa để chống dịch Covid-19.
Xuất hiện trong phiên chất vấn chiều ngày 12.1 tại Nghị viện Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận đã tham dự vào bữa tiệc đông người được tổ chức ngày 20.5.2020 trong khuôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh, số 10 phố Downing, giữa thời điểm nước Anh đang phải phong tỏa để chống dịch Covid-19 và các hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm. Ông Boris Johnson cũng đồng thời lên tiếng xin lỗi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong phiên chất vấn tại Nghị viện Anh chiều 12.1. (Ảnh: The Guardian)
“Thưa Ngài Chủ tịch Hạ viện, tôi muốn xin lỗi. Tôi biết rằng hàng triệu con người ở đất nước này đã có những hy sinh phi thường trong suốt 18 tháng qua và tôi cũng biết họ đã giận dữ thế nào với tôi, với chính phủ mà tôi dẫn dắt, khi họ nghĩ rằng các quy định đã không được tuân thủ một cách đầy đủ bởi chính những người đã đề ra nó. Tôi không thể nói trước về kết luận của cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng tôi đủ hiểu rằng đã có những việc chúng tôi đã làm không đúng và tôi phải chịu trách nhiệm”.
Mặc dù thừa nhận đúng ra đã phải hành động khác đi, nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cố gắng bào chữa khi cho biết, ông chỉ tham dự bữa tiệc trong vòng 25 phút rồi quay trở lại làm việc, đồng thời biện minh rằng, ông đã nghĩ đây chỉ là một phần của một buổi làm việc, cũng như cho rằng bữa tiệc được tổ chức trong một không gian rộng lớn ngoài vườn của của Văn phòng Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, các giải thích này của ông Boris Johnson không thuyết phục được các Nghị sĩ Anh. Lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Keir Starmer chỉ trích ông Boris Johnson đã cố tình che giấu sự thật và trốn tránh các cuộc điều tra trong nhiều tháng qua và cho rằng hành động của ông Boris Johnson là sự xúc phạm với người dân Anh. Ông Keir Starmer cũng như một số nghị sĩ khác tại Nghị viện Anh cũng đã hỏi thẳng ông Boris Johnson có chấp nhận từ chức Thủ tướng Anh hay không nhưng ông Boris Johnson từ chối trả lời và cho biết cần đợi kết quả cuối cùng của cuộc điều tra.
Hiện tại, sức ép từ chức với ông Boris Johnson đang gia tăng trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã chính thức thảo luận về khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Boris Johnson. Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ trong chiều 12/1 đã công khai chỉ trích ông Boris Johnson làm tổn hại uy tín của đảng Bảo thủ, đồng thời, yêu cầu ông từ chức.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ Scotland, một đồng minh chính trị của ông Boris Johnson, ông Douglas Ross cũng cho rằng, ông Boris Johnson phải trả giá vì sai lầm của mình: “Tôi đã nói chuyện với ông ấy và ông ấy cũng đã nói rất rõ về sự việc. Nhưng những người khác đã phạm sai lầm, đã phạm luật và đã bị trừng phạt. Họ phải trả giá. Ông ấy là Thủ tướng và chính phủ của ông ấy đã đưa ra các quy định, do đó, ông ấy cũng cần phải trả giá cho những hành động của mình”.
Theo giới quan sát chính trị Anh, nguy cơ ông Boris Johnson mất ghế Thủ tướng Anh đang gia tăng hàng ngày và sức ép dư luận cũng không có lợi cho ông Boris Johnson. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, có đến 2/3 (66%) số người Anh được hỏi cho biết muốn ông Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các lãnh đạo của đảng Bảo thủ sẽ cân nhắc chờ đợi kết quả cuộc điều tra chính thức, đồng thời, trong lúc này cũng cần phải tiến hành các tham vấn tìm ra các ứng cử viên hợp lý để thay thế ông Boris Johnson. Hai gương mặt được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak./.
(Theo Quang Dũng/VOV-Paris)