Chuyện học ở vùng cao
Chuyện học ở miền núi, vùng cao trong tỉnh ngày nay có nhiều thay đổi tích cực, song vẫn cần trợ lực để từng bước rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.
Đi theo con chữ
Giờ học môn Tiếng Việt lớp 5 của cô giáo Lê Thị Bích Tâm và lớp 5A Trường Tiểu học Canh Thuận (huyện Vân Canh) dẫu đã cuối buổi chiều vẫn sôi động. Những giọng đọc và trả lời câu hỏi của trò bằng tiếng Việt rõ ràng, gọn ghẽ. Những giờ học trôi chảy tiếng Việt như thế này thể hiện nỗ lực rất lớn của thầy và trò ở các huyện miền núi.
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Canh Thuận, huyện Vân Canh. Ảnh: MAI HOÀNG
Theo ông Phạm Ngọc Nên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Thuận, việc tổ chức dạy cho học sinh lớp 1, 2, 3 đã được trang bị tài liệu dạy học tăng cường Tiếng Việt, ít nhất 1 tiết/tuần; còn lớp 4, 5 dạy tích hợp tăng cường vào các môn học và hoạt động giáo dục. “100% học sinh là người dân tộc thiểu số, việc dạy tăng cường tiếng Việt giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, nhờ đó chất lượng học tập tăng đáng kể. Hằng năm, tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt chương trình từ 50% trở lên, không có học sinh bỏ học giữa chừng”, ông Nên nói.
Để cho con chữ “nảy mầm”, “sinh sôi” trên những triền núi cao là sự nỗ lực vượt bậc của những người gieo chữ. Mỗi năm học, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đón từ 350 - 400 học sinh ở hai cấp học, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Hiệu trưởng Phạm Minh Sơn cho biết: Chúng tôi khảo sát chất lượng học sinh, phân nhóm, từ đó yêu cầu giáo viên xác định phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu. Không chỉ dạy tăng cường, nhà trường tận dụng mọi cơ hội để học sinh tăng cường rèn luyện và giao tiếp tiếng Việt. Việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động dạy và học đặc biệt chú trọng đặc điểm tâm sinh lý học sinh dân tộc thiểu số. Giáo viên phải bám trường, bám lớp, cùng ăn, cùng ở và vận động các em đến lớp hằng ngày.
Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của cộng đồng, diện mạo giáo dục các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh đã khởi sắc, có những chuyển biến tích cực. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã ưu tiên bố trí, cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Phát triển số lượng trường, lớp 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, mở rộng quy mô trường, lớp dạy môn Tiếng Anh, Tin học...
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Nguyễn Ngọc Trình cho hay: Có thể nói, chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo ở vùng cao là duy trì sĩ số. Đồng bào dân tộc thiểu số hiện đã ý thức hơn nhu cầu học tập của con em mình. Trước đây, bên cạnh công tác chuyên môn, các thầy cô giáo vùng cao còn phải dành nhiều thời gian cho việc vận động học sinh tới trường, nhưng nhiều năm nay không còn học sinh tiểu học bỏ học, bậc THCS cũng giảm rõ.
Khó khăn vẫn còn nhiều
Tuy nhiên, trên bình diện chung chất lượng giáo dục ở miền núi vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn khó khăn. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều trường chưa đạt chuẩn theo quy định; trang thiết bị dạy học còn thiếu, điều kiện tổ chức nội trú, bán trú chưa được đảm bảo…
Với hơn 6.700 học sinh (ba cấp học), năm học này huyện Vĩnh Thạnh có 371 phòng học, trong đó 313 phòng học kiên cố và 58 phòng học bán kiên cố đảm bảo đủ số phòng học cho học sinh học tập. Tuy nhiên, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh Bùi Xuân Ngọc cho biết, địa bàn trải rộng, một trường thường có nhiều điểm trường cách xa nhau nên một số điểm trường của các trường tiểu học thuộc 2 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn còn mô hình lớp ghép, khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Tại huyện Vân Canh, bậc học mầm non đến nay còn nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức nuôi dạy bán trú. Ngay cả trường tiểu học, ông Phạm Ngọc Nên trăn trở, hiện Trường Tiểu học Canh Thuận có 352 học sinh nhưng có tới 6 điểm trường. Điểm trường Kà Xim tổ chức được 5 lớp học riêng, trong khi 4 điểm trường làng Kà Te, Hà Văn, Kà Bưng, Hà Lũy quá ít học sinh phải tổ chức 6 lớp ghép, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên cũng là một trở ngại. Đến giờ, ngành GD&ĐT huyện Vân Canh vẫn thiếu 48 biên chế, chiếm 10% biên chế hiện có, dẫn đến thiếu hụt nhân lực giáo viên, nên đều ưu tiên bố trí giáo viên cho bậc học mầm non và các khối lớp dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới; các vị trí chuyên trách thiết bị - thư viện, y tế trường học… đều “trắng”. “Nay mai các trường mầm non tiếp tục mở bán trú thì riêng giáo viên sẽ tiếp tục khó hơn nữa”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phạm Minh Chấn cho hay.
MAI HOÀNG