Phù điêu Kala tại phế tích tháp Lai Nghi
Trong đợt khai quật khảo cổ tại phế tích tháp Lai Nghi (huyện Tây Sơn) năm 2013, ngoài phù điêu voi và sư tử, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy rất nhiều mảnh phù điêu mặt Kala; trong đó, có 4 phù điêu Kala đất nung còn nguyên vẹn, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (ảnh).
Theo Ấn Độ giáo, Kala thể hiện gương mặt của thần Shiva - mang ý nghĩa hủy diệt và tái tạo quyền năng thần Shiva, nhưng Kala cũng là tên gọi khác của thần Yama (thần chết). Phù điêu Kala phát hiện tại phế tích tháp Lai Nghi với dạng khối hình gần vuông, kích thước trung bình cao 32 cm, rộng 32 cm, dày 6 cm được chế tác bằng nguyên liệu đất sét đỏ, tạo hình bằng kỹ thuật in dập khuôn, sau đó tu chỉnh bằng tay rồi phơi khô và đem nung trong lò ở nhiệt độ cao, nên xương gốm đều màu, cứng chắc.
Theo các nhà nghiên cứu, phù điêu Kala đất nung tại phế tích tháp Lai Nghi và Kala tháp G1 (thuộc khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam) có sự tương đồng về hình dáng và kích thước với những nét chung, như: Cặp mắt to tròn, lồi; sừng nhọn và cong; mi mắt to dày xếch lên; mũi dẹt, sống mũi gãy, cánh mũi nở; miệng chỉ thể hiện môi trên, nhe hàm răng sắc nhọn, ngoài cùng có hai răng nanh chìa ra. Tuy nhiên, nếu so sánh từng chi tiết thì chúng vẫn có một số điểm khác nhau. Còn nếu đem so sánh phù điêu Kala đất nung tại phế tích tháp Lai Nghi với các tháp Champa khác tại Bình Định như tháp Mẫm, tháp Dương Long, có thể thấy rõ nét tương đồng giữa các phù điêu mặt Kala này, vì hầu hết đều mang đặc trưng phong cách điêu khắc tháp Mẫm.
Các nhà nghiên cứu đoán định chức năng của những phù điêu Kala đất nung ở phế tích tháp Lai Nghi dùng để trang trí xung quanh chân đế tháp. Về niên đại, mặc dù phù điêu Kala đất nung có hình dáng và cách tạo hình tương đồng với Kala tháp G1, nhưng những họa tiết trang trí lại thể hiện đậm nét phong cách điêu khắc tháp Mẫm, cho thấy sự ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer. Chính vì vậy, có thể xếp phù điêu Kala đất nung tại phế tích tháp Lai Nghi có niên đại giữa cuối thế kỷ XII là phù hợp, khi mà sự ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer vào Champa đã trở nên rõ nét.
NGỌC NHUẬN