Cẩn trọng khi lái xe máy tay ga đổ đèo, dốc
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các vụ TNGT liên quan đến việc đi xe máy tay ga tại các cung đường đèo, dốc. Người dân cần nắm rõ tính năng của xe máy tay ga cũng như kinh nghiệm đổ đèo, dốc để tránh tai nạn đáng tiếc.
Ngày 1.1.2022, trên đoạn đường lên núi Vũng Chua (thuộc khu phố 3, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Ba thanh niên (cùng ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đi trên một xe máy tay ga đổ dốc từ đỉnh núi Vũng Chua xuống QL 1D, khi đến đoạn dốc Suối Tiên đã tự tông vào gốc cây và tường rào gây tai nạn. Vụ tai nạn đã làm 2 thanh niên tử vong tại chỗ, một người bị thương nặng.
Việc đổ đèo, dốc bằng xe máy tay ga tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT.
- Trong ảnh: Hiện trường vụ TNGT làm 2 thanh niên tử vong tại chỗ trên tuyến đường từ QL 1D lên núi Vũng Chua vào ngày 1.1. Ảnh: H.P
Đây là đoạn đường dốc dài gần 3 km, độ dốc rất cao với nhiều đoạn cua cánh chỏ. Hằng ngày có nhiều người dân đi lên núi từ tuyến đường này để vui chơi, tập thể dục, ngắm cảnh; khi đi về đổ dốc thường xuyên xảy ra tai nạn, nhất là các trường hợp đi xe máy tay ga.
Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn liên quan đến việc đi xe máy tay ga khi đổ đèo, dốc được các hướng dẫn viên lái xe an toàn nhận định là do chủ quan không kiểm tra trước phương tiện, cộng với việc không làm chủ được tốc độ.
Theo anh Đinh Thành Luân, hướng dẫn viên lái xe an toàn (cửa hàng xe máy HEAD Honda Hồng Phước, TP Quy Nhơn), khi đi đường đèo, dốc, nhiều người ưu tiên chọn xe máy số vì bộ truyền động của xe có phần ly hợp và có thể sử dụng thao tác lên hoặc hạ số để ghìm tốc độ theo kiểu phanh động cơ. Còn xe máy tay ga thì không có những lựa chọn đó; khi đổ dốc bánh sau và bánh trước của xe chạy tự do.
Việc kiểm tra kỹ lưỡng xe máy tay ga và trang bị kỹ năng lái xe rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho người đi xe khi đi đường đèo, dốc. Anh Luân cho rằng, khi lái xe máy tay ga khi đổ đèo, dốc, người lái xe phải tập trung quan sát, giữ tốc độ, đi đúng làn, vào cua. Tuyệt đối không được tắt máy, vì khi đó xe chỉ di chuyển dựa trên hai bánh, tức không liên quan gì tới động cơ của xe; không có lực nào hãm lại.
“Một điều quan trọng nữa là lái xe phải kiểm soát được tốc độ. Khi xe đã nổ máy, để xe tự trôi đến mức tốc độ khoảng 15 - 20 km/giờ; sau đó rà phanh, mớm ga tiếp tục để côn bám, cuối cùng thả phanh và ga, xe sẽ tự phanh động cơ. Tùy vào từng địa hình mà lái xe cần chú ý thỉnh thoảng rà phanh để đưa xe về mức tốc độ an toàn”, anh Luân chỉ dẫn cụ thể.
Sẽ cắm biển, bảng tuyên truyền, cảnh báo
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Chiến, đường từ QL 1D lên núi Vũng Chua là đường công vụ, không thuộc quản lý nhà nước của các ngành chức năng TP Quy Nhơn, nên hiện không có quy định về cắm biển, bảng tuyên truyền, cảnh báo, cấm hay hạn chế.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ mời các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị đang hoạt động trong khu vực này làm việc để đề ra giải pháp phù hợp và thực hiện các biện pháp để đảm bảo ATGT như cắm biển, bảng tuyên truyền, cảnh báo; tổ chức làm cổng rào để hạn chế phương tiện cá nhân lên khu vực này. Phương tiện phục vụ công vụ mới được phép đi lại; người dân có nhu cầu lên núi chỉ được phép đi bộ”, ông Chiến cho hay.
HỒNG PHÚC