Rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư cụm công nghiệp
Mấy năm gần đây, tuy đã được chú trọng quy hoạch, đầu tư nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều cụm công nghiệp ở Bình Ðịnh chưa cao. Ðiều này cho thấy để tạo đà cho các cụm công nghiệp phát triển mạnh mẽ, cần có cơ chế, chính sách đột phá.
Hiện nay, toàn tỉnh có 45/61 cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động, tổng diện tích đã được bố trí là 934,2 ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 58,4% (cả nước khoảng 63%). Theo khảo sát của Sở Công Thương, mỗi năm các DN trong số CCN kể trên tạo ra doanh thu khoảng 14.337 tỷ đồng, việc làm cho hơn 23.500 lao động.
Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh, huyện Tây Sơn quy hoạch 38,8 ha. Hiện có 1 DN thuê đầu tư 10,57 ha, còn lại bỏ trống. Ảnh: HẢI YẾN
TX An Nhơn là địa phương có nhiều CCN lớn, hoạt động khá tốt với 2 mô hình chủ đầu tư gồm Nhà nước và DN. Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: “An Nhơn hiện có 11/12 CCN được lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 298,5 ha/323,5 ha. Chỉ có CCN Nhơn Tân đang trong giai đoạn chuẩn bị lập quy hoạch khoảng 25 ha. Hiện có 85 DN, cơ sở sản xuất hoạt động tại 7 CCN (tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 57% đối với các CCN đang hoạt động), tạo việc làm cho hơn 3.300 lao động. Tổng vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách thị xã cho các cụm công nghiệp đạt 6,8 tỷ đồng”.
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào cuối năm 2021, Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Mai Hưng báo cáo: Bên cạnh một số điểm tích cực, các CCN ở tỉnh ta còn có nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để đạt hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. Điểm dễ thấy nhất là tỷ lệ lấp đầy ở các CCN còn thấp, DN đăng ký hoạt động chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động cầm chừng. Đơn cử như các CCN: An Mơ (11,4%), Canh Vinh (12,8%), Nhơn Tân 1 (29,1%), Đồi Hỏa Sơn (33,2%), An Trường (34,5%) và Cầu Nước Xanh (44,5%)… Hạ tầng kỹ thuật tại các CCN vẫn chưa đồng bộ, chắp vá. Trong các CCN ở Bình Định hiện chưa có CCN kiểu mẫu, chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là hạng mục hệ thống xử lý nước thải… Hầu hết đây là các CCN do huyện làm chủ đầu tư, nhưng ở phía do DN làm chủ đầu tư cũng không khá hơn bao nhiêu. Trong số 12 DN được tỉnh cho thuê 512,3 ha đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật 14 CCN, đến nay chỉ có các CCN là Tà Súc (giai đoạn 1), Tam Quan, Cát Nhơn, Cát Trinh đã cơ bản lấp đầy.
Dù vậy, theo Sở Công Thương, mô hình DN làm chủ đầu tư phù hợp với chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Nhờ đó, giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước; tiến độ xây dựng, chất lượng các hạng mục công trình được quan tâm đầu tư, các dịch vụ tiện ích như: Bảo vệ, thu gom chất thải, xử lý nước thải... khá tốt; công tác mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN cũng đạt hiệu quả hơn.
Mới đây, tại buổi làm việc Sở Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu các sở, ban, ngành cần có kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Sở Công Thương cần sớm xây dựng đề án riêng về CCN, tham mưu UBND tỉnh xem xét quy mô diện tích còn lại của CCN chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng để quy định việc ngân sách tỉnh có tiếp tục hỗ trợ cho CCN để hoàn thiện hay không. Nếu có nhà đầu tư năng lực quan tâm thì tỉnh sẽ yêu cầu chuyển cho DN tiếp nhận đầu tư. Những CCN có quy mô lớn chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu nhiều vốn và quá sức của huyện thì tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng để giúp huyện kêu gọi, thu hút đầu tư vào CCN. Để đẩy nhanh tiến độ các mục việc trên, các địa phương phải khẩn trương rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường.
HẢI YẾN