Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện
Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời) của Việt Nam là 20.670 MW, tăng 3.420 MW so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 27%.
Tại Hội nghị "Tổng kết công tác năm 2021" của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 14/1, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020.
Một Dự án điện gió bên bờ biển tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt Trời) là 20.670 MW, tăng 3.420 MW so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 27,0%. Như vậy, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Trong đó, điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỷ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020.
Tuy nhiên, ông Nhân cho biết do tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong đó nhiều thời điểm công suất phát các nguồn điện này lên tới 60% công suất phụ tải, nên công tác vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, xuất hiện tình trạng quá tải lưới điện truyền tải liên kết các miền và quá tải cục bộ tại một số khu vực.
Dù vậy, 51 dự án truyền tải điện cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu truyền tải công suất các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo đã được Bộ Công Thương cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch điện 8 trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021, hiện không có căn cứ triển khai, dẫn đến việc đảm bảo cấp điện ổn định và an toàn gặp khó khăn. Bởi theo quy trình, các dự án lưới điện truyền tải này phải có trong quy hoạch điện được công bố thì mới có thể triển khai các bước đầu tư...
Trước những khó khăn đó, Tổng Giám đốc EVN kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cấp thiết đã được EVN báo cáo vào quy hoạch điện để có cơ sở triển khai.
Về kế hoạch hàng năm phải đầu tư mới khoảng 1.000 dự án nguồn và lưới điện, ông Nhân cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân cấp thẩm định các bước thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp 2 trở xuống cho tập đoàn, tổng công ty thuộc tập đoàn để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Kế hoạch năm 2022 EVN sẽ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đối với 05 dự án nguồn điện trọng điểm; gồm thủy điện Trị An Mở rộng, Nhiệt điện Dung Quất 1 & 3, Nhiệt điện Ô Môn 3, Nhiệt điện Quảng Trạch 2; tập trung thi công các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở ộng, Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Đồng thời, khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện Mặt Trời Phước Thái 2 (100 MWp), Phước Thái 3 (50 MWp); phấn đấu khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn 4 (1.050 MW).
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)