Nơi ấm áp nhất
● Tản văn của LÊ THỊ XUYÊN
Bình Định những ngày cuối năm, trời đã trong và ấm áp hơn nhiều. Cà phê với bạn, hai đứa bàn tính chuyện tết nhất. Bạn bảo: “Cả năm dịch bệnh liên miên, làm việc quần quật mệt nhoài, tết này, tớ sẽ đưa cả nhà đi Đà Lạt vi vu thay vì về quê”. Rồi bạn quay sang rủ rê: “Hay là hai gia đình mình cùng đi chung luôn cho vui!”. Tôi khẽ lắc đầu: “Tết này, nhà tớ dự là sẽ về quê. Với lại, cả một năm vất vả mình ở phố còn xoay xở được, ông bà cứ nói ổn cả ổn cả nhưng không chắc có ổn thật không nên vẫn cứ muốn về bên gia đình”. Tôi không nói ra nhưng ngay cả rất ổn tôi vẫn muốn về, chẳng nơi nào ấm áp cho bằng nhà mình, mà không lúc nào có thể tận hưởng sự ấm áp ấy bằng những ngày Tết!
Tôi đang sinh sống và làm ăn ở Bình Định, nhưng quê vợ chồng tôi ở xứ Bắc. Không đến nỗi như ngày xưa, giờ có thể giúp ta liên lạc dễ dàng nhưng mong muốn được tay bắt mặt mừng thì vẫn vậy, vẫn muốn được đoàn viên. Vì ông cha ta thường bảo: Tết là để về nhà. Nhà là quê hương, là gia đình, là tình thân, là những gì gần gũi, thiêng liêng nhất đối với mỗi người.
Có cực nhọc, vất vả, bon chen nơi đất khách quê người, chúng ta mới thấy trân trọng những khoảnh khắc khi được trở về nhà, được về bên những người thân yêu của mình. Thế giới ngoài kia rộng lớn, xô bồ với những toan tính thiệt hơn dễ khiến ta cảm thấy nhiều lúc mệt mỏi đến chán chường. Được trở về nhà, ắp iu nồng ấm tình thân, mỗi người như được bước chân vào một thế giới khác, thế giới chỉ có bình yên, ấm áp đến diệu kỳ.
Trái tim yêu thương sẽ gieo mầm hạnh phúc. Và nhà chính là nơi những trái tim chẳng bao giờ toan tính, hơn thua. Nơi thực sự chỉ có sự chở che, bao dung; tha thứ và gắn kết. Bạn vấp ngã, bạn mắc sai lầm, dẫu ngoài kia có quay lưng về phía bạn thì nhà vẫn ở bên vỗ về, yêu thương. Là bởi, nhà là tổ ấm, là nơi dựa; là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc.
Dù bạn có là ai, làm bất kỳ công việc nào trong xã hội, sau một ngày tất bật, điều bạn cảm thấy may mắn nhất chính là có nhà để trở về. Có biết bao người ngoài kia vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền mà chưa được về nhà hoặc không có nhà để trở về. Nhà với họ chỉ tạm bợ là mái hiên bên đường, là khu ổ chuột nhếch nhác, gầm cầu lạnh lẽo, cô đơn… Gia đình, quê hương là món quà giản đơn mà thiêng liêng, không phải ai cũng may mắn có được. Bởi thế, càng đồng cảm với những mảnh đời vất vơ, bất hạnh, ta càng biết trân trọng những món quà mà cuộc đời đã ban tặng cho mình.
Bạn đã bao giờ nghĩ về một thế giới lý tưởng của mình là đi đâu cũng chỉ mong được về nhà. Ngồi dưới mái hiên nhà, nghe cha dằng dai chuyện thời chiến; nghe mẹ bùi ngùi kể chuyện cơm độn sắn khoai tháng ba ngày tám. Là được hòa mình vào tiếng cười líu lo của con trẻ; được ăn bữa cơm chính tay mình nấu. Là những phút giây quây quần bên người thân giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. Những hạnh phúc giản dị, mộc mạc có được chẳng thể bán mua khiến ta càng thấy mình diễm phúc.
Chúng ta đồng cảm, sẻ chia với những ai chưa có hoặc không có một nơi đủ ấm áp là nhà để trở về. Chúng ta càng buồn cho những ai có một nơi đủ ấm áp nhưng không biết trân trọng, giữ gìn, để rồi vẫn thấy cô đơn, trống rỗng; vẫn không tìm thấy yêu thương, sẻ chia dẫu đã và đang sống giữa nơi mình gọi là nhà. Nhiều người vì mải chạy theo những thứ xa hoa, mưu cầu những điều phù phiếm vốn dĩ không thuộc về mình đã vô tình bỏ quên, đánh mất những gì quý giá vốn đã ở trong tầm tay mình. Để rồi lúc kịp nhận ra điều gì là quan trọng thì mọi thứ đã quá muộn màng.
Tôi bắt rễ với Bình Định đã gần 20 năm. Mảnh đất xứ Nẫu đã rộng lòng chào đón và yêu thương, trở thành quê hương thứ hai ăm ắp nghĩa tình trong trái tim của những người con xa xứ như tôi. Tết nào cũng vậy, cả nhà tôi nếu không về bản quán thì vẫn muốn ở lại nơi đây. Lòng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã có một tổ ấm gia đình và hai quê hương yêu dấu!