Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là giải pháp quan trọng mang tính quyết định cho thành công của Kế hoạch Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
* Ông có thể điểm lại những đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học của tỉnh thời gian 5 năm qua?
- Những năm qua, GD&ĐT của tỉnh phát triển toàn diện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học phát triển, tạo cơ hội và đáp ứng tốt nhu cầu học tập, góp phần thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi khá cao và duy trì ổn định ở tất cả cấp học.
Chất lượng giáo dục toàn diện, hiệu quả giáo dục tiếp tục chuyển biến rõ nét. Số trường, số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày được mở rộng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt cao, học sinh đỗ vào các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng lên. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì. Cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư kiên cố, chuẩn hóa; đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 90%, trường chuẩn quốc gia đạt 62,1% (mầm non 31,5%, tiểu học 78,4%, THCS 87,8%, THPT 51,9%).
Công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, với cơ cấu hợp lý hơn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Xã hội hóa giáo dục đạt những kết quả quan trọng, nhất là huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhóm giải pháp quan trọng mang tính quyết định thành công đổi mới toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng chúng ta đã triển khai đổi mới GD&ĐT 5 năm rồi nhưng trong nhận thức một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự đổi mới sâu sắc cách nghĩ, cách làm, đổi mới phương thức quản lý, dạy và học, kiểm tra đánh giá. Năng lực giáo viên, cơ sở hạ tầng của ngành, hoàn cảnh gia đình học sinh chưa theo kịp yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.
* Như vậy tới đây ta sẽ giải quyết những tồn tại và thách thức trên như thế nào, thưa ông?
- Sở GD&ĐT và các địa phương phải phối hợp triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát, sắp xếp, quy hoạch các cơ sở giáo dục; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học, ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số trong giáo dục. Khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình đào tạo.
Trong các nhóm giải pháp trên, quan trọng nhất, mang tính quyết định cho thành công là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
* Vậy ngành GD&ĐT có những giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đó?
- Ngành GD&ĐT luôn coi người thầy là nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cho đầu tư đội ngũ này. Chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để sắp xếp, bố trí hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa trình độ.
Nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn tới dành ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời sẽ xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ nhà giáo thường xuyên học tập, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
* Xin cảm ơn ông!
+ Kế hoạch được UBND tỉnh thông qua cuối năm 2021, xác định các mục tiêu quan trọng đến năm 2025: 100% giáo viên và cán bộ quản lý các bậc mầm non, phổ thông đạt trình độ đào tạo chuẩn; duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, hướng đến phổ cập mầm non trẻ 3 - 4 tuổi, phổ cập tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập THCS đạt mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 2; mạng lưới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đạt chuẩn quy hoạch; đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông.
+ Đến năm học 2021 - 2022, tỉnh có quy mô 651 trường (10.721 lớp học), với 22.952 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục giai đoạn mới, đặc biệt tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
THU HIỀN (Thực hiện)