9X thành công với nghề chạm khắc gỗ
Với đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo, anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1994, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão, ảnh) đã thành công với nghề chạm khắc gỗ.
Anh Cường kể, 3 năm đầu học nghề là khoảng thời gian vừa học vừa làm nên không có lương, lắm lúc cũng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhờ được người thân động viên nên anh có thêm động lực học tập, trau dồi tay nghề và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ có được xưởng chạm khắc gỗ của riêng mình. Sau hơn 3 năm nuôi chí, năm 2018 anh quyết định mở cơ sở chạm khắc gỗ tại nhà.
Ngay khi mở cơ sở chạm khắc gỗ, anh Cường chủ động liên thủ với thợ mộc, thợ sơn… để không chỉ làm các sản phẩm chạm khắc mà còn có thể nhận trọn gói phần trang trí nội thất. Làm ăn uy tín, tay nghề chạm khắc đẹp, luôn có ý tưởng mới, độc đáo để tư vấn khách hàng, nên sau một thời gian ngắn, nhóm của anh Cường được nhiều người tín nhiệm. Từ 1 máy, anh đầu tư thêm 2 máy, giờ cơ sở đã có được 3 máy chạm phẳng, đáp ứng nhu cầu, thời gian giao hàng cho khách. Tuy vậy, anh Cường cho biết, dù là chạm khắc bằng máy theo mẫu mã thiết kế từ trước, sau đó vẫn cần đến đôi bàn tay tinh chỉnh của người thợ, để sản phẩm sắc nét, tinh xảo, có hồn.
Để cơ sở chạm khắc gỗ ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động, anh Cường luôn tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm nghề qua đồng nghiệp ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, qua mạng xã hội, các hội nhóm nghề chạm khắc gỗ, tham khảo các mẫu mới để đưa vào sản xuất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, bình quân thu nhập từ nghề của anh Cường đạt gần 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động.
DIỆP THỊ DIỆU