VỞ CA KỊCH BÀI CHÒI CÔ THẦN:
Tôn vinh gương sáng trung thần triều Tây Sơn
Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) vừa diễn báo cáo tổng duyệt thành công vở diễn mới Cô thần, được NSƯT Nguyễn Tấn Hào chuyển thể từ kịch bản văn học của tác giả Văn Trọng Hùng.
Theo NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - Trưởng đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, tiếp nối thành công những vở diễn về nhân vật lịch sử được dàn dựng những năm qua như: Chói rạng sơn hà, Khúc ca bi tráng… thì vở diễn Cô thần được dàn dựng mới theo kế hoạch năm 2021, ngợi ca lòng trung quân của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, một nhân vật đóng góp rất nhiều công trạng cho vương triều Tây Sơn.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Cô thần. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trần Văn Kỷ là trung thần thân tín đã có nhiều công lao phò tá vua Quang Trung xây dựng vương triều Tây Sơn thịnh trị trong một thời gian dài. Đến khi triều Tây Sơn suy vong, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long và tìm mọi cách chiêu dụ Trần Văn Kỷ phục vụ triều Nguyễn, nhưng ông cương quyết từ chối và chấp nhận chịu tội chết. Trước khi chết, ông xin về quê bái yết từ đường và được chấp thuận. Trên đường về quê, Trần Văn Kỷ đã hô to câu: “Trung thần bất nhị quân” (Kẻ trung thần không thờ hai vua) rồi nhảy xuống dòng Hương Giang tự vẫn để giữ trọn khí tiết một lòng trung quân với vua Quang Trung, với vương triều Tây Sơn.
Chủ đề vở diễn vẫn mang tính thời sự dù ở thời đại nào, đó là một vương triều Tây Sơn dù có mạnh nhưng khi vua Quang Trung mất, vua con Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản lên ngôi còn nhỏ tuổi, nên gian thần là Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, chia bè kéo cánh, giết hại trung thần; có Đại tư đồ Võ Văn Dũng là trung thần nhưng tính tình nóng nảy… Một vương triều mà kỷ cương, phép nước rối loạn như vậy thì sự nghiệp tiêu tan, xã hội suy tàn.
Thưởng thức vở diễn, khán giả cảm nhận được nỗi cô độc của trung thần Trần Văn Kỷ khi bị gian thần hãm hại, phải giáng chức làm lính coi trạm Hoàng Giang: “Giờ đã hết những trang oanh liệt/ Giờ đã tan ánh sáng huy hoàng/ Xót xa hồng nhạn lẽ đàng/ Buồn cho hoàng thượng ngai vàng ngu ngơ/ Để cho trung nghĩa bơ phờ/ Để cho dũng tướng rơi bờ oan khiên/ Nước non máu chảy hai miền/ Tây Sơn ơi có biết nỗi lòng ta chăng...”.
Nghệ sĩ trẻ Phương Phú, diễn vai Trần Văn Kỷ, bộc bạch: “Tôi chuyên diễn vai võ tướng, nên lần đầu tiên đảm nhận vai Trần Văn Kỷ là quan văn, thực sự rất bỡ ngỡ. Nhờ sự chỉ dạy của NSND Hoài Huệ, tôi đã cố gắng diễn tốt vai, đặc tả được nội tâm của một trung thần “chết mà không chết” khi chọn cái chết để giữ trọn lòng trung, gương sáng còn lưu mãi”.
Nhân vật Thái sư Bùi Đắc Tuyên do nghệ sĩ Quốc Tuấn thể hiện cũng lôi cuốn người xem. “Tôi thường đóng vai phản diện nên khi đảm nhận vai Bùi Đắc Tuyên, cũng có phần thuận lợi để diễn thành công một nhân vật ỷ thế cậy quyền là cậu của vua Cảnh Thịnh, suốt ngày chỉ biết đam mê tửu sắc, cờ bạc, hãm hại trung thần, thao túng triều đình, sau bị Võ Văn Dũng giết chết, nhưng triều Tây Sơn cũng suy tàn từ đây”, nghệ sĩ Quốc Tuấn tâm tình.
Ngoài việc diễn xuất của các diễn viên, vởdiễn còn hấp dẫn khán giả với cách xử lý không gian trên sân khấu. Đạo diễn - NSND Hoài Huệ chia sẻ: “Ban đầu tác giả Văn Trọng Hùng lấy tên vở diễn là Chỉ một quân vương, nhưng tôi và tác giả đã bàn bạc cùng lấy tên Cô thần để toát lên được ý Trần Văn Kỷ là một người trung nghĩa nhưng cô độc. Trong vở diễn còn có nhân vật ông già dẫn chuyện cũng chính là nỗi lòng của Trần Văn Kỷ, cùng với hình tượng dòng sông đó là dòng thời gian, là người dân thấu hiểu, chia sẻ với nhân vật. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch nói và kịch hát cũng giúp đưa khán giả tiếp cận gần hơn với vở diễn…”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN