Hình tượng hoa trên đồ gốm Champa
Bình Định từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa, hiện dấu tích của nền văn hóa này còn lại khá nhiều. Trong đó, phải kể đến di sản gốm cổ Champa không chỉ phong phú về loại hình mà còn đa dạng trong hoa văn trang trí.
Yếu tố văn hóa nông nghiệp lúa nước ảnh hưởng đáng kể đến tư duy lựa chọn hoa văn trang trí trên đồ gốm của nghệ nhân Champa xưa. Hệ thống hiện vật đồ gốm Champa mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày đã minh chứng phần nào về ảnh hưởng này. Trong số những họa tiết hoa văn trang trí trên đồ gốm Champa thì hình tượng cỏ cây, hoa lá thường được sử dụng phổ biến, đặc biệt là hình tượng các loài hoa đẹp nở khoe sắc mùa xuân. Hình tượng hoa cúc được sử dụng làm họa tiết hoa văn trang trí trên rất nhiều sản phẩm gốm tráng men Champa, thường được tạo tác chủ yếu dưới hai dạng là cúc dây và cúc đóa, có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như bình Kendi, hũ gốm phát hiện tại lò gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) đang trưng bày trong Bảo tàng tỉnh. Hình tượng hoa cúc trên đồ gốm Champa vừa mang những nét chân thực, nhưng đôi khi lại được lồng ghép những nét cách điệu nhằm biểu đạt sự huyền ảo của biểu tượng.
Hình tượng hoa mai cũng có trên đồ gốm Champa nhưng ít hơn so với hoa cúc. Trên một số sản phẩm gốm tráng men ở Gò Cây Me vẫn thấy xuất hiện hình tượng những bông hoa mai 5 cánh khá rõ nét. Điều này cũng góp phần mang lại sự tươi mới của sắc xuân trên các sản phẩm gốm này.
Bên cạnh những bông hoa sen là vật cầm tay của một số vị thần trong điêu khắc đá Champa như nữ thần Sarasvati, Brahma… họa tiết hoa sen chạm khắc bệ tượng, trên đỉnh tháp Champa, thì hình tượng hoa sen còn được sử dụng khá phổ biến trong trang trí đồ gốm Champa. Có thể kể đến các đầu ngói ống (âm - dương) trang trí hình hoa sen phát hiện tại phế tích đền tháp Châu Thành, tháp Bình Lâm, thành Cha… trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hình tượng hoa sen còn được sử dụng khá nhiều trên sản phẩm gốm tráng men phát hiện được tại Gò Cây Me.
NGUYỄN VIẾT TUẤN