Việt Nam sẽ tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình
Sau thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp hơn nữa vào việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của quốc tế.
Phát biểu tại họp báo về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UVKTT HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 chiều 17.1, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chủ trương chung của Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời nâng tầm hoạt động đối ngoại đa phương. Sau thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp hơn nữa vào việc duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của quốc tế. Điều này cũng góp phần duy trì hòa bình, ổn định của chính Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại họp báo.
Kinh nghiệm quý báu của Việt Nam
Những kinh nghiệm tích lũy trong 2 lần đảm nhiệm vai trò UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020 -2021, cũng như các hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian qua đã tạo tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh việc tham gia vào hoạt động chung của các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức trong và ngoài LHQ. Hiện nay, Việt Nam tham gia tích cực không chỉ ở LHQ mà còn cả các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC... những diễn đàn quan trọng đối với Việt Nam.
Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy nghị quyết sáng kiến đã khởi xướng tại HĐBA như khắc phục hậu quả bom mìn, bảo vệ thường dân trong xung đột, bảo vệ phụ nữ, hòa bình và an ninh; tiếp tục thúc đẩy vai trò và sự hiện diện của ASEAN trong LHQ cũng như những vấn đề bao trùm như tôn trọng luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ... Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy hiệu quả nhóm bạn bè UNCLOS - sáng kiến nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với hơn 100 nước; triển khai nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về phòng chống dịch bệnh 27.12; thúc đẩy triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu…
“Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Trên thực tế, với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đang từng bước nâng cao khả năng tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình, đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động quốc tế, trước mắt là cử đại đội công binh tham gia phái bộ ở biên giới giữa Sudan và Nam Sudan”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Việt Nam cũng sẽ tham gia sâu hơn tại các diễn đàn đa phương khác, ứng cử vào các vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ. Hiện nay, Việt Nam mong muốn được các nước ủng hộ tham gia vào cơ chế Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban ranh giới thềm lục địa 2023 - 2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của cơ quan quyền lực đáy đại dương 2023 - 2027…
Ấn tượng tốt trong mắt bạn bè quốc tế giúp Việt Nam thu hút đầu tư
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trong bối cảnh Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, Việt Nam rất coi trọng ngoại giao song phương và đa phương. Hai khía cạnh này bổ trợ cho nhau rất tốt. Quá trình Việt Nam tham gia HĐBA đã cho thấy điều đó.
Việt Nam đã tham gia đóng góp, xử lý các vấn đề, các thách thức chung trên thế giới, tạo sự tin cậy, đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế nói chung và HĐBA nói riêng, đồng thời tạo sự tin cậy, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác.
Tác động này có thể không rõ ràng nhưng kết quả lại rất cụ thể. Năm 2021, dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt tốc độ gần 20%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 680 tỷ USD, thu hút đầu tư mặc dù khó khăn, nhất là ở các tỉnh trọng điểm phía Nam nhưng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng. Khi Việt Nam thể hiện trách nhiệm, đóng góp tích cực và được bạn bè quốc tế ủng hộ, chắc chắn quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác và nhà đầu tư cũng hiệu quả.
Việc Việt Nam tham gia vào HĐBA không chỉ đóng góp vào hòa bình, an ninh quốc tế mà còn trực tiếp đóng góp vào hòa bình, ổn định ở Việt Nam. Điều đó là cơ sở để các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Theo Hoàng Kiều (VOV.VN)