Ðầu tư cho thể thao thành tích cao: Chuyển hướng để nâng hiệu quả
Với thể thao thành tích cao, việc đánh giá, định hướng lại công tác đầu tư ở các bộ môn rất quan trọng. Bởi qua đó sẽ thấy được những điểm mạnh, lợi thế của từng môn để có sự điều chỉnh phù hợp, nâng cơ hội cạnh tranh thành tích ở các giải đấu.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Trung tâm vừa trình lãnh đạo Sở VH&TT kế hoạch xây dựng 3 bộ môn mới gồm: Vovinam, karatedo và bóng chuyền bãi biển nữ. Trước mắt, lực lượng VĐV của các bộ môn này được gầy dựng từ tuyến năng khiếu. Cơ sở để Trung tâm đề xuất đầu tư 2 môn võ là có hệ thống phong trào phát triển mạnh, rộng khắp; đã có VĐV (đi thi đấu theo hình thức tự túc kinh phí) từng giành huy chương ở các giải quốc gia. Trong khi đó, xu thế hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phát triển các môn thể thao bãi biển để thúc đẩy quảng bá, thu hút khách du lịch, nên bóng chuyền bãi biển là môn phù hợp. Hơn nữa, đây là bộ môn không cần trang bị sân bãi tập luyện, số lượng VĐV ít nên kinh phí đầu tư thấp.
Môn kickboxing cũng đang được tính toán đầu tư theo hướng chuyên sâu. Ảnh: H.QUÂN
Trước mắt, nguồn VĐV của các bộ môn mới được chuyển từ đội năng khiếu bóng đá U11 sang. Theo đánh giá của ngành Thể thao, việc duy trì tuyến năng khiếu U11 không thực sự hiệu quả, khi các em còn khá nhỏ để tiếp cận với môi trường VĐV. Việc tuyển chọn, đào tạo VĐV có tỷ lệ thành công thấp. Thay vào đó, chỉ nên phát triển lứa U11 ở môi trường phong trào, bóng đá học đường. Các suất năng khiếu U11 vừa qua còn được phân bổ cho những môn có tiềm năng phát triển tốt như điền kinh, taekwondo…
Được biết, sau hơn 10 năm tham dự các giải quốc gia, gặt hái được nhiều thành tích cao, có VĐV, HLV được tập trung đội tuyển quốc gia và giành HCV SEA Games, môn kickboxing cũng đang được tính toán đầu tư theo hướng chuyên sâu. Hiện nay, VĐV thi đấu môn này của Bình Định đều được phiên từ đội tuyển đối kháng võ cổ truyền sang. Tuy vậy, trước khi chính thức thành lập đội tuyển, ngành Thể thao cũng cần đánh giá lại tính hiệu quả và định hướng để bộ môn có thể phát triển trong tương lai.
Ông Phan Tuấn Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở VH&TT), cho biết: Theo quan điểm cá nhân tôi, với hệ thống phong trào phát triển mạnh trong nhiều năm qua, nếu được đầu tư bài bản, các môn karatedo, vovinam đều có nhiều tiềm năng để trở thành những môn thể thao mũi nhọn của Bình Định trong tương lai. Riêng với bóng chuyền bãi biển, hiện nay Khánh Hòa đang sở hữu những VĐV hàng đầu Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo VĐV. Vì vậy, nếu có sự hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn từ đội ngũ HLV của họ thì bộ môn bóng chuyền bãi biển Bình Định cũng sớm tạo được chỗ đứng ở đấu trường quốc gia.
Việc đánh giá thực trạng cơ sở vật chất; trình độ năng lực HLV, VĐV; sắp xếp lại lực lượng VĐV ở các bộ môn thể thao thành tích cao Bình Định… đều đã được ngành Thể thao tỉnh phân tích khá kỹ trong Đề án Phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 trình UBND tỉnh. Trong đó, việc đầu tư thế nào để đạt hiệu quả cao, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương là điều hết sức quan trọng.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu cho biết: “Việc đầu tư cho thể thao thành tích cao cần có tầm nhìn chiến lược, nhằm phát huy tối đa thế mạnh sẵn có để đào tạo nên những VĐV có trình độ chuyên môn tốt, đủ sức tranh tài ở các giải đấu quốc gia, quốc tế. Song song đó, cần thường xuyên đánh giá lại tính hiệu quả trong đầu tư, để có sự thay đổi nếu cần thiết, nhằm đem đến những kết quả tốt nhất có thể”.
HOÀNG QUÂN