An Nhơn tổ chức học trực tiếp: Vẽ sơ đồ lớp, bố trí chỗ ngồi
Sau thời gian dài học trực tuyến, hoặc kết hợp học trực tiếp và trực tuyến do dịch Covid-19, ngày 17.1, học sinh THCS, tiểu học và mầm non công lập tại TX An Nhơn trở lại trường học trực tiếp theo phương án tương ứng từng cấp độ dịch.
Trường Tiểu học số 1 Bình Định có 1.080 học sinh, 30 lớp (bình quân 37 học sinh/lớp, lớp đông lên đến 45 em/lớp). Các khối lớp 1, 2 học 9 buổi/tuần, còn lại khối lớp 3, 4, 5 học 8 buổi/tuần. “Trở lại học trực tiếp đồng loạt, số lượng học sinh đông, nhà trường phải hết sức thận trọng, làm kỹ công tác phòng, chống dịch. Giáo viên chủ nhiệm phải có sơ đồ lớp hoặc chụp hình lớp học hằng ngày để báo cáo tình hình học sinh. Những học sinh xin nghỉ, giáo viên nắm bắt đầy đủ thông tin lý do”, Hiệu trưởng Nhà trường Trần Ngọc Dũng cho hay.
Giáo viên Trường Mầm non Nhơn Hưng vẽ sơ đồ lớp bố trí chỗ ngồi cho trẻ. Ảnh: M.H
Lo lắng cho chất lượng học sinh khi học trực tuyến kéo dài, việc song đi học trực tiếp trở lại cũng chưa thể khiến các trường, giáo viên và phụ huynh hoàn toàn yên tâm. Đặc biệt đối với các trường khối mầm non, khi kết quả khảo sát ngay trước ngày mở cửa trường học chỉ có khoảng 40 - 50% phụ huynh đồng ý cho trẻ đến trường.
Trong số 227 trẻ đăng ký học tại Trường Mầm non Nhơn Hưng, đến sáng 17.1, lớp nhà trẻ và lớp mầm, mỗi lớp chỉ có 1 cháu; 2 lớp chồi có 7 cháu; khá nhất là 6 lớp trẻ 5 - 6 tuổi có 53 cháu. Chiều cùng ngày, cả trường chỉ còn có 34 cháu. Toàn bộ trẻ đến trường học đều ngồi theo sơ đồ. Nhưng mới đi vào dạy học trực tiếp được 1 ngày thì đến cuối ngày, trường ra thông báo cho trẻ dừng đến trường vì địa phương có dịch cấp độ 3 (vùng cam). “Dù có 1 trẻ/lớp, chúng tôi vẫn dạy, vì lo đóng cửa trường mãi dẫn đến trẻ, nhất là trẻ 5 - 6 tuổi, bị hẫng kiến thức và kỹ năng chuẩn bị năm tới vào lớp 1. Nhưng vì lo ngại dịch nên phụ huynh vẫn chưa thể an tâm cho trẻ đến trường”, bà Võ Thị Bé, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.
Phòng GD&ĐT thị xã đã hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo (công lập), tiểu học, THCS tổ chức dạy và học trực tiếp, linh hoạt phương án tương ứng cấp độ dịch từng địa phương. Các trường tổ chức tầm soát cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm dành 15 phút đầu giờ để nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh và người nhà học sinh. Quá trình dạy, giáo viên nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh trên lớp để phát hiện kịp thời bất thường.
Ông Lâm Lăng Long, Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn cho hay: “Riêng với khối trường mẫu giáo, mầm non hiện không tổ chức bán trú. Trong hai tuần trước tết Nguyên đán, nếu tình hình trẻ đến trường ổn và dịch Covid-19 ở cấp độ 1, 2 thì chúng tôi mới tính toán xin ý kiến chính quyền địa phương cho tổ chức bán trú”.
● Cùng với việc mở cửa trường đón học sinh, ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, nêu rõ: Ðối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh diện F1 và đang ở trong khu vực phong tỏa, tiếp tục nghỉ dạy, nghỉ học đến khi hoàn thành cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế. Giáo viên, nhân viên cư trú ngoài thị xã ở địa phương có dịch cấp độ cấp 3 (vùng cam) trở lên thì đề nghị giáo viên ở lại, không nên về nhà hoặc phải tự xét nghiệm tầm soát 7 ngày/lần để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
● Trong khi TX An Nhơn cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 17.1, TP Quy Nhơn - địa phương cuối cùng của tỉnh vẫn học kết hợp trực tiếp và trực tuyến - đang tính toán đón học sinh đến trường học trực tiếp. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Phương Nam cho biết đã chỉ đạo Phòng GD&ÐT xây dựng kế hoạch dạy và học trực tiếp trở lại sau tết Nguyên đán đối với tiểu học, THCS. Ðiều này có cơ sở khi dịch Covid-19 gần đây đã có chiều hướng giảm. Còn với bậc học mầm non, sẽ tính toán thêm.
MAI HOÀNG