Cần khắc phục hạn chế trong xử lý vi phạm hành chính
Năm 2021, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý và tham mưu người có thẩm quyền xử lý 11.077 vụ vi phạm hành chính (VPHC). Các hành vi VPHC chủ yếu xảy ra ở các lĩnh vực môi trường, đất đai, thương mại... Trong đó, nhiều hành vi vi phạm có tính chất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế. Theo bà Trần Thị Túy - Phó Trưởng Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và quản lý xử lý VPHC (Sở Tư pháp), những hạn chế này xuất phát từ một số quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn. Do vậy, trong quá trình áp dụng có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau dẫn đến sự không thống nhất trong xử lý. Có nhiều quy định rất khó áp dụng, đặc biệt là các quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt...
Chẳng hạn, về chuyển hồ sơ, theo quy định, trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt (theo quy định hiện hành là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cơ quan xác lập hồ sơ không chuyển đầy đủ tài liệu, thiếu các biên bản làm việc, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện... Do đó, hồ sơ không thể hiện được quá trình xử lý của cơ quan phát hiện hành vi đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục; hồ sơ phải được chuyển trả lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời hạn để người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi VPHC là vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo chuyển hồ sơ vụ việc đúng địa chỉ. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có một số trường hợp xác định không đúng thẩm quyền xử phạt nên chuyển hồ sơ sai, làm ảnh hưởng đến thời hạn, thời hiệu xử lý.
Qua theo dõi, kiểm tra, Sở Tư pháp thấy nguyên nhân sai sót này là do áp dụng chưa đúng, chưa đầy đủ quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền tại Điều 52 của Luật. Cụ thể, theo quy định thì thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm. Nhưng có trường hợp cơ quan, người lập biên bản căn cứ vào quy định về mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi VPHC tại khoản 3 Điều 23 để xác định thẩm quyển và chuyển hồ sơ.
“Để khắc phục các hạn chế nêu trên, các sở, ban, ngành, địa phương khi chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt cần lưu ý hơn về thời gian chuyển, các tài liệu trong hồ sơ phải đầy đủ, rõ ràng, văn bản trình người có thẩm quyền cần đề xuất cụ thể từng nội dung liên quan đến quyết định xử phạt VPHC. Đồng thời, nêu rõ căn cứ pháp lý áp dụng để người có thẩm quyền xử phạt có cơ sở xem xét, quyết định đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành”, bà Túy nói.
T.MINH