Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19
(BĐ) - Sáng 20.1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Triển khai công tác y tế năm 2022”. Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì. Điểm cầu Bình Định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì.
Năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2021. Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách; xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến ngày 31.12.2021, tổng số vắc xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Đến hết năm 2021, cả nước tiêm được 152,2 triệu liều, trong đó 99,5% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều và 90,7% người tiêm đủ số liều cơ bản. Bên cạnh đó, có 85,3% người từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 55,7% người tiêm đủ số liều cơ bản.
Bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm hầu hết các dịch giảm so với năm 2020.
Đồng thời, tăng tốc chuyển đổi số, thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử, xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa...
Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chú trọng vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng năm 2021 vừa qua với bao khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, song Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng như giữ ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô… những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Y tế.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ em. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế phải tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vắc xin và các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế cần chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch. Đồng thời chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế các tuyến.
Ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành Y tế tập trung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số, chống già hóa dân số…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa Xuân từ ngày 1 - 28.2.2022.
ĐỖ THẢO