Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Sáng 20.1, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị.
Năm qua, nước ta đã xảy ra tổng số hơn 4.000 trận thiên tai, tai nạn, sự cố, làm 530 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng; đặc biệt là siêu bão số 9 (RAI) hoạt động trên biển Đông và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12.2021 ở khu vực miền Trung, với tổng lượng phổ biến 2.000-3.500mm gây lũ gần ở mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên, ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi.
Ủy ban tìm kiếm cứu nạn triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Để khắc phục sự cố, thiên tai Ban Chỉ đạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 công điện, văn bản chỉ đạo; ban hành 26 công điện và 62 văn bản chỉ đạo ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Theo dõi, bám sát diễn biến thiên tai, điều chỉnh kịch bản ứng phó cũng như kế hoạch sản xuất phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, công tác chỉ đạo ứng phó, kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển an toàn với các cơn bão, nhất là ứng phó với bão số 9, cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm gần đây, đã đảm bảo an toàn cho hơn 58.000 tàu với hơn 298.000 lao động đang hoạt động trên biển.
Ban Chỉ đạo đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ; tổng hợp, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.350 tỷ đồng cho các tỉnh khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021. Bên cạnh kết quả đạt được, trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế như: chất lượng công tác dự báo, cảnh báo một số loại thiên tai, nhất là các thiên tai cực đoan như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu; thông tin dự báo đôi khi còn chưa rõ ràng, nhất quán, dễ gây hiểu lầm; công tác phối hợp trong vận hành hồ chứa còn chưa nhịp nhàng giữa địa các địa phương, giữa chủ hồ với chính quyền cơ sở dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng trong công tác lãnh đạo của Ủy ban để hoàn thành tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia và Ủy ban quốc gia, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn không để bị động, bất ngờ; không được để bất kỳ sự cố, thiên tai nào thuộc trách nhiệm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Ủy ban quốc gia mà Ban chỉ đạo, Ủy ban quốc gia không biết, không chỉ đạo kịp thời. Đồng thời ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, trong đó cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; rà soát quy trình, thủ tục để đảm bảo công tác hỗ trợ, triển khai nguồn lực hỗ trợ được khẩn trương, kịp thời hơn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là thiên tai, sự cố lớn trên diện rộng, đặc biệt là phương án chỉ đạo điều hành, triển khai đoàn công tác hiện trường cũng như phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai và dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia phòng chống thiên tai.
Về việc vận hành hồ chứa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị: “Phải bảo đảm không để xả lũ gây chết dân, mưa gió do bất khả kháng nên chúng ta phải xả nhưng chúng ta phải tính toán làm sao phải xả trước được. Tôi cho rằng Bộ Tài nguyên môi trường, đơn vị làm công tác dự báo và các cơ quan khác phải tính toán trước, bởi giờ đây chúng ta có thể tính được lượng mưa trong năm. Vì vậy trước mùa mưa chúng ta phải tính xả trước vài ba ngày. Muốn vậy chúng ta cần có bộ máy chuyên tâm về hồ chứa trong đó đặt các trạm quan trắc và kiểm tra thực tế. Vấn đề này phải có một quy trình và đề nghị các đồng chí rà soát lại và công bố cách thức điều hành làm sao giảm thiểu thiệt hại do thiên tai”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố cho người dân, xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để hoàn thành tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.
Theo Việt Cường (VOV1)