Nhiều khu vực tại Việt Nam có nguy cơ chìm sâu khi mực nước biển dâng nhanh
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020, nếu mực nước biển dâng cao 1 mét sẽ nhấn chìm 47,29% diện tích ĐBSCL, khoảng 17,15% diện tích TPHCM, 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng…
Nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có nhiều nội dung quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó, về nhiệt độ, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21, càng về cuối thế kỷ mức tăng nhiệt độ càng cao. Khu vực phía Bắc luôn có mức tăng cao nhất, giảm dần về phía Nam, thấp nhất ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các trạm đảo.
Nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm nhiều khu dân cư. Ảnh: Econews.
Về lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa đều có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước; lượng mưa mùa khô có xu thế tăng với mức tăng phổ biến từ 8 - 20% vào giữa thế kỷ và tăng phổ biến từ 10 - 25% vào cuối thế kỷ, trong đó, tăng cao nhất ở ven biển Đông Bắc, tăng thấp nhất ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.
Cũng theo Kịch bản 2020, một số hiện tượng cực đoan như số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ trong các giai đoạn của thế kỷ 21; số ngày rét đậm có xu thế giảm với mức giảm phổ biến từ 5 - 20 ngày, ở khu vực núi cao mức giảm có thể lớn hơn mức phổ biến từ 10 - 30 ngày; số ngày rét hại có xu thế biến đổi tương tự số ngày rét đậm tuy nhiên mức giảm thấp hơn, giảm phổ biến từ 5 - 10 ngày, ở khu vực núi cao Bắc Bộ có xu thế giảm nhiều hơn có thể tới 30 ngày; số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21.
Đến cuối thế kỷ 21, số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Hơn 47% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập lụt
Theo Kịch bản 2020 đưa ra dự báo, nếu mực nước biển dâng cao 100 cm, diện tích có nguy cơ ngập ở các vùng như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TPHCM; 47,29% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long…
Mực nước biển dâng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể sẽ làm tăng nguy cơ tàn phá của sóng thần. (Ảnh: Metro)
Kịch bản 2020 cũng chỉ ra, đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24 cm hoặc 28 cm. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 56 cm hoặc 77 cm. Mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng khu vực ven biển các tỉnh phía Nam cao hơn so với khu vực phía Bắc. Khu vực giữa Biển Đông (trong đó, có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
Ngoài ra, Kịch bản 2020 đã bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Theo Văn Ngân (VOV.VN)