Ngọn lửa dẫn lối, soi đường cho dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Tư tưởng toàn diện, sâu sắc của Người về văn hóa vẫn là “kim chỉ nam” cho quá trình phát triển văn hóa Việt Nam hôm nay và mai sau.
Dù không có tác phẩm đồ sộ dành riêng để bàn về văn hóa, song, thông qua nhiều lời phát biểu, bài nói chuyện tại các sự kiện và thư từ, ghi chép cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến vị trí, vai trò và chức năng của văn hóa.
Văn hóa là động lực phát triển KT-XH
Trong hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Theo Người, văn hóa Việt Nam được hình thành và bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ thuở lập nước, chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24.11.1946), Bác đã nhấn mạnh: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, Người đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt, vai trò định hướng của văn hóa - ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho dân tộc đi đến những thắng lợi.
Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.
- Trong ảnh: Hội đánh Bài chòi tại Ngày hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THU TRINH
Bên cạnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần nhắc đến yêu cầu phải “đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”.
Đồng thời, Người cũng khẳng định, văn hóa có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Không chỉ thế, văn hóa còn tạo nên sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”. Bởi, kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Bàn về vai trò của văn hóa trong thế đối sánh với các trụ cột khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Quan điểm về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ hơn trong Thư gửi các họa sĩ, nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
“Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Để văn hóa thể hiện được vai trò trong đời sống, tự thân những người “làm văn hóa” phải khẳng định được mình. Xuyên suốt các giai đoạn cách mạng Việt Nam, Bác Hồ nhiều lần đề cập đến mặt trận văn hóa và chiến sĩ văn hóa. Luận điểm nổi tiếng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” thể hiện rõ nét nhất quan điểm của Người về công cuộc xây dựng nền văn hóa mới với vai trò chủ công của người trí thức sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Quan điểm này thể hiện nhiều lần qua những bài thơ, bài viết của Người. Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”, Người viết: Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Và, Bác cũng phân tích rõ nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ ấy, người chiến sĩ cần có lập trường vững, tư tưởng đúng; phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, Bác cũng nêu rõ phương tiện, cách thức để người chiến sĩ văn hóa làm tròn nghĩa vụ: “Cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Dưới chế độ thực dân Pháp, bên cạnh thứ “văn chương nịnh Tây” vẫn có “văn chương cách mạng”. Theo Bác, khi dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do; văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Tham gia cách mạng không chỉ để đóng góp tích cực vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mà còn vì nhu cầu tồn tại và phát triển của bản thân văn nghệ, của nghệ sĩ, vì sự tự do chân chính của đời sống văn nghệ.
Trong thời kỳ quá độ, văn nghệ phải phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu…. Cùng với đó là “ca tụng chân thật” những người mới, việc mới để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay và giáo dục con cháu ta đời sau.
Văn nghệ cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân, gắn bó và am hiểu sâu sắc thực tiễn đời sống lao động, sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt, học tập và xây dựng cuộc sống mới. Đó là nguồn tư liệu “ngồn ngộn chất đời” để phản ánh chân thật, sinh động thực tiễn, “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.
* * *
Nhắc đến văn hóa, thiết nghĩ phải khẳng định một luận điểm cơ bản và rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã, đang và sẽ là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Ngày 16.7.1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 15 năm sau, ngày 14.5.2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các nghị quyết này đã đi vào cuộc sống, tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
MAI LÂM