Thay đổi đời và đổi thay thơ
Nếu trong một đất nước độc lập và hòa bình, một đất nước tự do và dân chủ, thì chuyện có những người đổi đời nhờ khởi nghiệp thành công, nhờ tài năng và ý chí sáng tạo mà vươn lên trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng, thì quả thật, không có gì là lạ. Độc lập đã mang lại tự do cho cả dân tộc và hạnh phúc đến với toàn dân.
Đó chính là môi trường, điều kiện, là mảnh đất mỡ màng để thi ca bắt rễ đâm chồi nảy lộc. Bài thơ nổi tiếng như một bản tự kiểm bằng thơ, bằng trí tuệ và xúc cảm, bằng sự chân thành cao độ của nhà thơ Chế Lan Viên - “Người thay đổi đời tôi Người thay đổi thơ tôi” là một ví dụ.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nước ta là một nước thuộc địa, dân ta là dân nô lệ, thì nhà thơ, dù tài năng đến đâu, trong hoàn cảnh ấy cũng khó bề vượt lên để nhìn rõ thân phận mình trong thân phận đất nước, thân phận dân tộc. Những kẻ xâm lược và đô hộ Việt Nam thì không bao giờ muốn “khai sáng” về thân phận nô lệ đầy tủi nhục ấy của “dân bản xứ”, trong đó dĩ nhiên có những nhà thơ nhà văn nghệ sĩ Việt.
Trong hoàn cảnh ấy, không phải nhà thơ Việt nào cũng là Tố Hữu để dấn thân đi làm cách mạng, chịu tù đày hiểm nguy cơ cực. Nhiều nhà thơ, nhà văn nghệ sĩ Việt tuy có sẵn lòng yêu nước, mang dòng máu Việt Nam trong huyết quản, không muốn chấp nhận thực tại là công dân của một nước thuộc địa, nhưng họ chưa biết làm cách nào thoát khỏi thân phận mình.
Đã xuất hiện và thành danh một lớp nhà thơ nhà văn nhà nghệ sĩ thật sự tài năng từ độ năm 1930 - 1945, họ tập hợp trong từng nhóm sáng tác văn học nghệ thuật như Tự lực Văn đoàn, như Trường (phái) thơ Bình Định, nhưng quả thật, họ chưa biết làm sao thay đổi thân phận mình, nói gì tới thay đổi tư duy nghệ thuật, thay đổi cách viết cách vẽ cách sáng tác nhạc của mình, và thay đổi như thế nào. Họ phải tự tìm tòi trong bóng tối của một xã hội luôn bế tắc vì những kẻ cai trị không bao giờ muốn mở ra những lối đi tới Tự do cho cá nhân nghệ sĩ và cho cả dân tộc Việt.
Lê nin đã có một câu nói nổi tiếng: “Nô lệ chính là bạo động”. Và trong những ngày tháng đó, nhà thơ hay nhà văn cũng khó nhận ra sự bạo động thường trực này kiềm chế công khai hay đe dọa ngấm ngầm đến đời sống và sáng tác của mình. Rất nhiều tác phẩm thơ trong phong trào Thơ Mới của các nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê, Tế Hanh được viết rất hồn nhiên, đầy nhân ái, nhiều tác phẩm có giá trị lâu dài, còn sống mãi đến ngày nay. Nhưng Thơ ấy vào lúc ấy không cứu được đời.
Vậy thì phải làm sao ?
Trước tình hình đó, vào tháng 2.1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2.1943. Dĩ nhiên, có được bản Đề cương này là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, lúc bấy giờ đã về Cao Bằng, và hoạt động trên vùng cao Việt Bắc.
Bản Đề cương văn hóa Việt Nam có thể tóm tắt trong một slogan ngắn gọn: “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng”. Đó là ba yếu tố không thể thiếu để xây dựng một nền văn hóa mới, lấy tiêu chí Dân tộc làm đầu, vận dụng Khoa học để dẫn dắt tư duy, với mục đích phục vụ Đại chúng.
Ngay từ giai đoạn căng thẳng khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam, khi đất nước ta bị “một cổ hai tròng” là thực dân Pháp và phát xít Nhật thi nhau “Đứa đè đầu cưỡi cổ đứa lột da” (thơ Nguyễn Đình Thi), mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh), phải giành giật văn hóa khỏi bàn tay nô dịch của Pháp - Nhật, đưa văn hóa trở về với dân tộc Việt, lấy văn hóa kích hoạt lòng yêu nước và ý chí tự chủ, quyết giành Độc lập cho Đất nước, Tự do cho Nhân dân. Muốn thế, phải phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của văn nghệ sĩ nhằm xây dựng một nền văn hóa văn nghệ mới lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc, được khai sáng bằng khoa học nhân văn, và tác phẩm của văn nghệ sĩ phục vụ cho nhu cầu văn hóa văn nghệ của nhân dân.
Từ trường ca “Ngọn quốc kỳ” của Xuân Diệu sáng tác ngay sau Cách mạng tháng Tám, suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, những văn nghệ sĩ Bình Định đã đóng góp hết mình, bằng tác phẩm, bằng những hoạt động tuyên truyền trong nhân dân, bằng nhiệt huyết của những văn nghệ sĩ cách mạng. Họ đã thực sự thay đổi cuộc đời mình trong sự thay đổi chung của nhân dân, của đất nước.
Ngày đó, hơn 90% người Việt Nam chưa biết chữ, phải sống trong cảnh tối tăm về văn hóa, mà Đề cương văn hóa Việt Nam đã nhìn tới tương lai một dân tộc Việt Nam không chỉ yêu nước mà còn sở đắc được văn hóa, không chỉ có những chiến sĩ cầm súng trên chiến tuyến chống ngoại xâm, mà phải có những chiến sĩ biết dùng văn học nghệ thuật tham gia vào mặt trận toàn dân giành Độc lập và hướng tới một nền văn hóa thực sự dân tộc, một nền văn minh thực sự khoa học và được thụ hưởng bởi toàn dân.
Rất nhiều năm sau, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình đã lập lại trên nửa đất nước Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên - một trong những chủ soái của “Trường Thơ Bình Định” - trong bài thơ “Người thay đổi đời tôi Người thay đổi thơ tôi” đã chân thành nhìn lại, nhớ lại thời hồn nhiên và loay hoay ấy của mình về chính trị - xã hội:
“Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn Bác viết
Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng
Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép
Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân”
Nghĩa là những mầm mống những yếu tố yêu nước thương dân trong bản thân nhà thơ đã có, nhưng giữa thơ mình lúc ấy với trào lưu cách mạng vẫn còn một khoảng cách. Ở đây, Chế Lan Viên chỉ nói riêng về trường hợp cá nhân mình, và nói rất thật thà, ngay chuyện “chưa có gì dính líu” giữa thơ ông với “truyền đơn Bác viết” nghe cũng rất thật thà. Bởi quả thật, đó là hai chuyện gần như ít cơ hội dính líu với nhau, dù lòng yêu nước thương dân thì luôn là điểm gặp gỡ.
Trong ba tiêu chí của văn hóa cứu quốc, thì tiêu chí thứ 3 “ Đại chúng” là tiêu chí có độ biến đổi nhanh nhất. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã chủ trương toàn dân đi học, tham gia xóa nạn mù chữ. Rồi bao nhiêu năm sau, trình độ dân trí theo tháng năm lại tăng cao, tới bây giờ, trình độ dân trí đã khác xa so với hồi Đề cương văn hóa ra đời, tháng 2.1943. Yếu tố đầu bảng “Dân tộc” là yếu tố vĩnh cửu, yếu tố “Khoa học” cũng không bao giờ thiếu được, dù khoa học phát triển rất nhanh, chỉ còn yếu tố “Đại chúng” dành cho mục tiêu phục vụ của văn nghệ sĩ, thì bây giờ đã nhiều đổi khác. Cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào đối tượng mà văn hóa văn nghệ phục vụ, là đại chúng, là nhân dân.
“Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết
Người thay đổi đời ta về kia mà ta vẫn không hay.
Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”
Nói thật, không chỉ riêng Chế Lan Viên, mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam thời ấy cũng chưa biết những điều mà Chế Lan Viên chưa biết. Chưa biết rồi biết, những nhà thơ Trường Thơ Bình Định (có thêm Bích Khê, Tế Hanh của Quảng Ngãi) đã đồng loạt đứng lên cùng toàn dân làm cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất. Người yêu nước thì sớm muộn gì cũng gặp nhau, cũng đứng cùng nhau chung một chiến tuyến.
Thành phố biển Quy Nhơn nhìn từ bán đảo Phương Mai. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Chúng ta hãy nhớ lại, sau ngày 19.12.1946 toàn quốc kháng chiến, hầu hết các văn nghệ sĩ Bình Định, mà chủ lực là những nhà thơ trong “Trường Thơ Bình Định” đều đã ba lô lên đường đi vào cuộc kháng chiến cùng toàn dân tộc. Những nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Đào Xuân Quý, Quách Tấn, Vương Linh… đã thành những nhà thơ kháng chiến. Những nhà văn như Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ… cũng đã rất nhanh chóng có những tác phẩm văn xuôi phục vụ công cuộc kháng chiến của Bình Định và Liên khu 5.
Và có thể là chậm hơn một chút, họ thay đổi thơ văn nhạc họa của họ. Thay đổi quan niệm sáng tác, những lối quen của sáng tác bao giờ cũng khó hơn, cần nhiều thời gian hơn là thay đổi chính cuộc đời mình. Nhưng văn nghệ sĩ yêu nước của chúng ta đã làm được.
Thay đổi đời và đổi thay thơ, là như vậy.
THANH THẢO