Chiếc gương đồng vua Quang Trung tặng võ quan
Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) đang trưng bày một chiếc gương đồng là quà của vua Quang Trung tặng võ quan Đinh Huy Đạo - một nho sĩ yêu nước thời Tây Sơn được Ngài trọng vọng (ảnh).
Đinh Huy Đạo còn có tên là Đinh Huy Hoản (1738 - 1799) quê ở làng Ngọc Động, tổng Lê Xá (nay là xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông là viên quan có tài, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, được nhà vua mời về triều phong làm “Hữu công bộ thị lang” dạy dỗ các tiểu thư, công chúa của hoàng tộc. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh suy tàn của chế độ Lê - Trịnh, ông đã treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.
Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt họ Trịnh lộng quyền, củng cố lại nhà Lê. Ông lại được mời trở lại phục vụ triều đình và giữ chức Huấn đạo ở Hà Trung.
Năm 1788, từ phương Bắc nhà Thanh đưa quân vào xâm lược nước ta, triều đình nhà Lê đầu hàng giặc. Đinh Huy Đạo được vua Quang Trung mời ra giúp đánh quân Thanh và ông đã lập nhiều công trạng. Sau đại thắng mùa xuân 1789 đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, ông được vua Quang Trung phong “Bí thư thự điển trực học sĩ viễn mưu hầu” và “Quốc tử trợ giáo” chuyên dạy bảo các hoàng tử Quang Toản, Quang Thùy… và giao soạn thảo các chỉ dụ, soạn sách về các chuẩn mực đạo đức, phong hóa, tiết lễ… cho triều đình, góp phần thu phục các sĩ phu Bắc Hà theo về giúp rập cho triều Tây Sơn.
Được vua Quang Trung trọng dụng, Đinh Huy Đạo đã dốc hết tâm trí vào phò vua giúp nước, xây dựng vương triều Tây Sơn thịnh trị. Đến khi ông già ốm trở về quê nhà dưỡng bệnh, vua Quang Trung cử cả danh y về chăm sóc. Năm 1792, vua Quang Trung mất, Đinh Huy Đạo vội vào kinh chịu tang và được triều đình giao cho viết văn tế vua. Khi ông qua đời, không chỉ nhiều đại thần về đến tận nhà tế lễ mà cả hai con của vua Quang Trung là Cảnh Thịnh, hoàng đế đương triều và Quang Thùy, Tiết chế thủy bộ chư quân miền Bắc, tước Công - cũng đến viếng thầy dạy mình.
NGỌC NHUẬN