Dự án rau an toàn Bình Ðịnh: Khảo nghiệm giống rau mới
Năm 2022, Dự án Rau an toàn Bình Định (Sở NN&PTNT) tiếp tục triển khai kế hoạch khảo nghiệm giống rau mới, góp phần làm giàu danh mục cây trồng và sản xuất đại trà cho các vùng rau trong tỉnh. Theo đó, Dự án phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 2 mô hình (1.000 m2/mô hình) khảo nghiệm 4 giống rau mới (sú tim, cải ngọt thái, xà lách cuộn giòn, súp lơ xanh) tại HTXNN Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Ở mỗi mô hình, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương xây dựng mô hình; tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật cho các hộ tham gia.
Ruộng súp lơ vàng chịu nhiệt của nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Văn phòng Dự án Rau an toàn Bình Định
Theo Văn phòng Dự án, qua 5 năm triển khai, Dự án đã xây dựng được 40 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn với tổng diện tích canh tác hơn 80 ha; sản xuất nhiều loại rau như: cải, cúc tần ô, rau muống, cải thảo, bắp cải; hành, ngò, rau răm, tía tô, húng quế, ớt, bạc hà; khổ qua, dưa leo, đậu bắp, đu đủ, bầu, bí, mướp...
Nhận thấy nhu cầu rau của người tiêu dùng ngày càng đa dạng, Dự án phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo nghiệm một số giống rau mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và đưa vào sản xuất. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Trung tâm trực tiếp đứng chân mô hình, hướng dẫn kỹ thuật trồng kết hợp với mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; hướng dẫn và hỗ trợ người trồng rau thực hành quy trình trồng rau hợp chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Tấn Phát, điều phối viên Dự án đánh giá: Hiện các nhóm cùng sở thích trong tỉnh mở rộng diện tích sản xuất, tuy nhiên do chỉ tập trung ở các nhóm rau quen thuộc, nên năng lực cạnh tranh hạn chế, khó mở rộng thị trường. Vì thế Dự án hỗ trợ người trồng rau phát triển một số giống rau mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng tính đa dạng và tạo năng lực cạnh tranh. Hiện, ở Vĩnh Sơn đã phát triển tốt các giống rau ôn đới, còn vùng đồng bằng vẫn chưa tìm được các giống rau mới để đa dạng danh mục sản phẩm. Do vậy, Dự án sẽ tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm để đưa thêm nhiều giống rau mới phát triển tại các vùng rau, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia; vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Trong năm 2022, tỉnh ta tiếp tục duy trì và phát triển 8 vùng rau an toàn tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời xây dựng thêm các vùng trồng hợp chuẩn VietGAP, hợp chuẩn hữu cơ. Việc có thêm các giống rau mới tạo điều kiện để các nông dân sản xuất luân phiên, luân canh, đa dạng nguồn cung.
QUANG BẢO