Mở cửa trường học an toàn để học sinh được đến trường sau Tết
Việc kéo dài học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh. Nhiều địa phương cho biết, sẵn sàng đưa học sinh trở lại trường học ngay sau Tết Nguyên đán.
Là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 với số ca mắc từng liên tục tăng cao, Tây Ninh đã dần trở lại bằng việc từng bước khống chế dịch và tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi đến trường. Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho học sinh từ khối lớp 7 đến khối lớp 12 đều đạt trên 90%. Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, dự kiến, tỉnh sẽ mở cửa trường học để đón toàn bộ học sinh đến trường học trực tiếp.
Nhiều địa phương cho biết, sẵn sàng đưa học sinh trở lại trường học ngay sau Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)
"Sau khi lấy ý kiến các phụ huynh nước thì Tây Ninh đã triển khai thí điểm cho 2 lớp, là lớp 9 và lớp 12. Trong mấy ngày gần đây, số học trực tiếp là 76% học tại nhà là khoảng 24%. Sau mấy ngày học, tình hình rất tốt, có nghĩa là chưa có xuất hiện ca nhiễm nào. Tinh thần chung là Tây Ninh qua Tết âm lịch sẽ triển khai học trực tiếp trên toàn bộ các khối học. Đến giờ này, Tây Ninh cơ bản chuẩn bị đúng theo tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế"- ông Võ Đức Trong cho biết.
Hiện một số địa phương nằm trong tâm dịch của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư như TP Hồ Chí Minh đang tiến hành từng bước mở cửa trường học. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện số lượng học sinh từ khối lớp 7 đến khối lớp 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ trên 98%, tỷ lệ học sinh đi học nhiễm Covid-19 rất thấp, nên thành phố đang xem xét để đưa học sinh lứa tuổi nhỏ hơn đến trường.
"Qua tình hình tổ chức hoạt động trực tiếp thì ngành Y tế và ngành GD&ĐT sẽ có kế hoạch trình với UBND thành phố sẽ tiếp tục đề xuất, kể từ ngày 7.1, tức là sau Tết Nguyên đán sẽ tổ chức cho các học sinh từ lớp 6, học sinh tiểu học và học sinh mầm non được đến trường theo nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh"- ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Nhiều địa phương khác cũng đã có dự kiến đưa 100% học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán, nhưng vấn đề cần đặt ra là phải có những giải pháp đảm bảo an toàn và truyền thông để trấn an tâm lý cho phụ huynh, tạo đồng thuận và phối hợp thực hiện các biện pháp phòng dịch. Hà Nội cũng từng vấp phải tâm lý này khi mở cửa trường học, cá biệt có lớp do lo ngại dịch bệnh chỉ có 1 học sinh đến lớp. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết, dự kiến ngày 7 và 8.2 sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Ngành GD&ĐT và ngành chức năng đã xây dựng các kịch bản đảm bảo an toàn nhất cho các học sinh khi đi học trực tiếp. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đó là vấn đề thiếu nhân lực y tế trong trường học để chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
"Y tế trong trường học là rất thiếu. Riêng đối với Hà Nội là xấp xỉ 450 nhân viên y tế trường học thiếu. Chính vì vậy mà hiện nay Hà Nội đang có giải pháp là trưng dụng nhân viên y tế đã nghỉ hưu để tình nguyện tham gia việc y tế ở trong các trường học. Đề nghị trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn chi viện, nhưng quả thực cũng rất khó khăn. Kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ quan tâm làm thế nào cho các địa phương có y tế trường học, đảm bảo an toàn, chăm lo sức khỏe cho các em học sinh, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19"- ông Trần Thế Cương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi Việt Nam đã có tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 gần 100%. Trẻ em từ 12- 17 tuổi cũng được bao phủ vắc xin và sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em từ 5- 11 tuổi.
"Việc đưa các em trở lại trường là hết sức cần thiết tại thời điểm này. Thời điểm này, cộng đồng của chúng ta cũng có mức độ miễn dịch. Bên cạnh đó việc mở cửa trường học cho các cháu trở lại trường còn phụ thuộc vào những yếu tố đảm bảo an toàn, trong đó gia đình phải an toàn, trường học an toàn và kể cả cộng đồng xã hội địa phương đó phải đảm bảo an toàn và tôi nghĩ sau Tết Nguyên đán là hợp lý"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Để tạo thuận lợi cho các địa phương mở cửa trường học, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD&ĐT theo đó sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.
Theo Minh Hường (VOV1)