Quy Nhơn & du lịch nhân nghĩa
Tôi có cơ may sống ở Quy Nhơn 10 năm, lại ở thời khó khăn nghèo túng nhất của Quy Nhơn, nên chuyện “ôn nghèo kể khổ” về Quy Nhơn thì tôi khá rành. Nhưng ngay từ những năm khốn khó ấy, tôi đã cảm nhận được Quy Nhơn là đất lành, là đất tụ nhân nghĩa. Quy Nhơn là tụ nhân. Nhân đây nên hiểu theo nghĩa thật rộng là nhân nghĩa và con người nhân nghĩa.
Tôi rời xa Quy Nhơn đã nhiều năm, sự thay đổi ở thành phố này là rất lớn. Nhưng cái gốc nhân nghĩa của thành phố có chữ “Nhơn” thì còn lại mãi. Tất cả rồi sẽ ra đi, chỉ tình yêu thương còn lại. Và còn lại, là những hình bóng thân yêu nhất, ám ảnh nhất.
Quy Nhơn trong vẻ đẹp siêu thực
Miền Trung là một dải đất kỳ lạ, có lẽ là kỳ lạ nhất Việt Nam. Nơi biển và núi giao hòa, nơi núi nhoài ra tận biển, còn đồng bằng như một dải lụa hẹp, đẹp mà day dứt. Đó cũng là ám ảnh của Quy Nhơn, nơi từng có hẳn một “Trường Thơ Bình Định”, nơi người ta có thể ngồi ở bờ biển mà ngắm núi, nơi có thể lên đỉnh núi để nhìn bao quát những lượn sóng biển.
TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ở Quy Nhơn, chỉ cần lên núi Phương Mai là nhìn thấy biển từ ba phía, nghe gió biển thổi âm ao vào những hang chim yến, và đôi khi, thấy cầu vồng chợt hiện phía chân trời đằng Đông. Tôi đã một lần, từ chân sóng biển Quy Nhơn mà nhìn thấy cầu vồng bảy sắc, đẹp như một giấc mơ siêu thực.
Có được một thành phố giữa núi và biển như thế là một diễm phúc cho bất cứ thành phố hiện đại nào. Bởi ở đó, thiên nhiên đã làm công việc cấu trúc, sắp xếp, tạo ra những bất ngờ, những điểm nhấn kỳ lạ mà con người thật khó nghĩ ra, dù bây giờ con người có đủ phương tiện để “dời non lấp biển”. Không gì đẹp bằng sự sắp đặt của thiên nhiên, vì nó luôn tình cờ, luôn bất ngờ, và thường tạo những giấc mơ cho người chiêm ngắm.
Những tháng năm tôi ở Quy Nhơn, có lẽ hồi ấy khổ cực quá, nên chẳng ai biết, chẳng ai màng đến chuyện “du lịch”. Nếu hồi đó ai nhỡ mồm nói hai chữ du lịch, người ta sẽ giải ra ngay là “dịch cái lu”. Đó là một hành động vừa vất vả vừa không bình thường. Bây giờ đã khác quá nhiều! Đến một ông già như tôi cũng rộn ràng vui khi nghe những câu chuyện trong đó người ta đặt Quy Nhơn trong lăng kính du lịch.
Dăm bảy năm nay, đi đâu cũng nghe nói về du lịch, về những chuyến đi du lịch, về những điểm du lịch kỳ thú. Nếu không có đại dịch Covid-19, tôi nghĩ, du lịch Việt Nam đã có những bước nhảy cao vót và xa tít. Số lượng khách du lịch nội địa, rồi du khách nước ngoài tới Việt Nam sẽ có những con số làm ngạc nhiên biết bao người. Nhưng bây giờ thì quả thật, du lịch Việt Nam đang rất khó khăn để gượng dậy trong hoàn cảnh “dịch cũ chưa qua, dịch mới sắp tới”, đe dọa sự bình an của con người. Khi lòng mình chưa thể có bình an, thì làm sao mà đi du lịch?
Nhưng không phải vì những khó khăn ấy mà thế giới bớt nhìn ngắm về Quy Nhơn như một trong những tiêu điểm du lịch tầm thế giới, một “Maldives giữa lòng miền Trung Việt Nam”. Nói như thế, là thế giới đã nhìn ra sự khác biệt của Quy Nhơn, sự độc đáo do thiên nhiên tạo ra, và sự chăm chút do con người bồi đắp.
Đài CNN (Mỹ) từng ca ngợi và nhận xét thành phố Quy Nhơn là “có mọi thứ mà một du khách mong muốn”, trong đó bao gồm cả những khu nghỉ dưỡng chất lượng. Nhưng tôi luôn nghĩ cái mà du khách mong muốn được cảm nhận nhất, phải là lối sống nhân nghĩa hào hiệp của cư dân thành phố này.
Không chỉ có những khu nghỉ dưỡng 5 sao, Quy Nhơn còn quy tụ được những thắng cảnh, những di tích văn hóa không thể dùng sao mà chấm. Nhưng thôi cứ tính bằng sao cho dễ vì Quy Nhơn có cả một cộng đồng nhân nghĩa cỡ 5 - 7 sao, cùng những món ăn dân dã rất rất nhiều sao. Đó mới là những “ngôi sao đẳng cấp” mà bất cứ du khách nào cũng mong được trải nghiệm. Tôi đã ở Quy Nhơn 10 năm và tôi biết, người Quy Nhơn nói riêng, người Bình Định nói chung hiếu khách như thế nào, cởi mở như thế nào, thân thiện nghĩa hiệp như thế nào. Đó chẳng phải là cái vốn quý nhất dành cho du lịch hay sao?
Hãy bắt đầu làm du lịch từ đức nhân nghĩa
Bởi xét cho tới cùng, du lịch chính là một hoạt động văn hóa, mà văn hóa thì do con người tạo nên. Thiên nhiên sẽ góp phần tôn vinh cái văn hóa do con người tạo nên đó. Và khi văn hóa hòa nhập được với thiên nhiên, thì chúng ta sẽ có những “tổ hợp thiên nhiên văn hóa”, cái này tôn cao cái kia lên, không cái nào lấn át hay che khuất cái nào.
Tháp Bánh Ít. Ảnh: THẢO LY
Những Tháp Chàm ở Bình Định, ở Quy Nhơn là văn hóa, do con người tạo dựng, nhưng nó khiến thiên nhiên nơi nó tọa lạc trở nên kỳ lạ, trở nên hấp dẫn, và trở nên thiêng liêng.
Ngược lại, những ngôi chùa ở Quy Nhơn hay ở Bình Định sở dĩ cuốn hút người đến chiêm bái vì nó trụ giữa lòng thiên nhiên, giữa lòng cây xanh hay nép vào núi đá. Thiên nhiên bảo bọc những ngôi chùa, cũng là bảo bọc văn hóa. Du khách có thể thấy từ hình ảnh những cây xanh cổ thụ, những vách núi đá mà ngôi chùa tựa vào như thấy hình ảnh Phật.
Đó là lý do vì sao những ngôi chùa thường được xây dựng trên núi hoặc ở những nơi thiên nhiên trầm mặc, u tịch. Nếu Phật đã từng ngồi dưới gốc cây bồ đề để trầm tư mặc tưởng, thì những ngôi chùa Phật cũng tựa vào những cây cổ thụ hay những vách núi đá để giúp con người ngộ ra những điều mà thiên nhiên vẫn thì thầm trong lặng lẽ.
Nằm giữa núi và biển, Quy Nhơn là một biểu tượng của thiên nhiên và văn hóa, không đơn thuần chỉ là những khu nghỉ dưỡng, dù lộng lẫy 5 sao. Đó cũng là sự khác biệt của Quy Nhơn, nếu so nó với chính Maldives.
Nhưng đúng Quy Nhơn là nơi “có mọi thứ mà một du khách mong muốn”, từ một thiên nhiên lộng lẫy tới một tô bún sứa tuyệt ngon.
THANH THẢO