Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh:
Ở trong tôi có mã di truyền xứ sở
Đặt một cái hẹn với người bận rộn như ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh vào những ngày cuối năm không hề đơn giản, nhưng cuối cùng tôi cũng có một cuộc làm việc trực tuyến qua Zoom. “Ba mươi phút, anh nhớ là anh có ba mươi phút thôi nhé”, người kết nối để tôi phỏng vấn ông Trung liên tục nhắc chừng như thế. Nhưng cuối cùng tôi có hơn chín mươi phút…
Sau câu chào thăm hỏi xã giao, bất ngờ ông Trung phác tay hỏi lại, hình như anh lớn tuổi hơn tôi… “Mình tuổi Tuất, Canh Tuất, 1970!”, tôi đáp. “A, vậy anh lớn hơn tôi 1 tuổi, để tôi gọi anh bằng anh cho nó đúng tôn ti trật tự, ở quê mình cái này quan trọng nghen anh”. Đã nghe qua về phong cách chân thành của anh “Trung Hưng Thịnh” nhưng tôi vẫn không nghĩ anh lại cởi mở đến thế… Chúng tôi chuyển ngôi xưng hô và cuộc phỏng vấn bỗng hóa nhẹ nhàng, thành một cuộc trò chuyện không như chương trình định trước, thậm chí còn mở ra nhiều lối rẽ thú vị khi chúng tôi nói với nhau về quê hương Bình Định.
Giáo dục là nền tảng rất quan trọng, trong đó yêu thương là cốt lõi!
● Chào anh Trung, anh có biết rất nhiều học sinh phổ thông ở TX Hoài Nhơn, khi nhắc đến anh vẫn gọi là “anh Trung” chứ ít khi gọi là “ông Trung” hoặc “chú, bác Trung” không?
- Thật hả anh, anh làm tôi xúc động quá! Chắc do các em nhớ đến tôi trong vị trí đồng môn, là một người thuộc thế hệ đàn anh. Tôi cũng rất quan tâm đến thông tin về quê hương, thầy cô, trường lớp cũ… nhưng chi tiết này thì tôi chưa biết. Tôi rời trường đã lâu và thật ra cũng chưa có dịp về thăm quê nhiều như mong muốn, vậy mà được thế hệ đàn em nhắc nhớ như thế thật là vui!
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh
● Có điều này, có lẽ anh cũng chưa biết đâu nhỉ, trong trí nhớ của nhiều thầy cô ở Hoài Nhơn, anh hiện lên là một học sinh giàu tình cảm rồi mới đến là một doanh nhân thành đạt. Không mấy người tạo được ấn tượng như thế...
- Ồ vậy à? Cảm ơn anh đã thông tin. Chắc thầy cô thương mến tôi rồi nghĩ vậy chứ hồi đi học phổ thông tôi cũng nghịch ghê lắm. Học thì phải học chứ nhưng chơi đùa thì cũng dữ, tôi cũng ham chơi, nghịch ngợm vì ngày xưa - thời anh em mình lớn lên - có mấy thứ để giải trí đâu, chắc anh còn nhớ. Nói thằng Trung ngoan hiền, siêng học bạn bè tôi lại cười cho.
Thẳng thắn mà nói tôi có đôi chút thành công, đó là nhờ vào nỗ lực tự thân nhưng ngọn nguồn sâu xa có công lao mẹ cha, thầy cô. Tôi có cái may mắn lớn mà tôi rất tâm đắc, đó là tôi được học với rất nhiều thầy cô yêu thương học sinh. Nhiều năm trước có một người thầy của tôi phân tích rất kỹ, căn dặn tôi ghi nhớ nằm lòng hai câu danh ngôn - “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng đem đến cho người khác) và “Đừng chỉ trích mái nhà hàng xóm nhiều tuyết trong khi cửa nhà mình lại không sạch”. Tôi sớm thấm thía hai câu này nên nguyên tắc của tôi là không chỉ trích và cố gắng hài hòa với xung quanh, chia sẻ lợi ích hết mức có thể!
Tôi có thói quen thường nghĩ về tương lai nhưng cũng hay lần tìm về quá khứ, trong hành trình xuôi ngược đồng thời ấy, lại thấy nền tảng giáo dục vô cùng quan trọng. Và trong nền tảng ấy “yêu thương” là cốt lõi đặc biệt quan trọng.
Tôi giàu và mọi người xung quanh cũng khá lên!
Đại dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, có thông tin rằng nhiều nhân viên của Tập đoàn Hưng Thịnh chủ động đề nghị tự giảm bớt lương để cùng Hưng Thịnh vượt qua khó khăn. Nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đã cảm ơn, giữ nguyên lương cho họ và đề nghị - nếu muốn “cùng nhau vượt qua khó khăn” bạn có thể san sẻ phần định tự trừ ấy về phía đồng bào khó khăn ở gần bạn. Rất nhiều nhân viên đã nghe theo.
● Nhân nói đến chuyện hài hòa và sẻ chia, xin phép cắt lời anh - đó có phải là một phần trong lõi giá trị nhân văn của Hưng Thịnh mà anh đang tạo dựng?
- Câu chuyện anh vừa nhắc là có, nhưng có lẽ cũng nên nói cho chính xác là một số thôi, chứ nói nhiều có khi hơi quá, Tập đoàn có hơn 4.000 nhân viên hết thảy, một số cũng đã là lớn lắm đấy anh!
Ở Tập đoàn Hưng Thịnh tôi cố gắng xây dựng cách sống và làm việc với nhau như trong một gia đình; cùng với gia đình của mỗi người là gia đình Hưng Thịnh, ở đó các thành viên chăm sóc cho nhau. Trong hành trình phát triển của mình Hưng Thịnh luôn có những đóng góp nhất định cho cộng đồng, thể hiện vai trò xã hội của DN. Bằng tinh thần trách nhiệm và nguồn lực nội tại của DN, chúng tôi kỳ vọng có thể phần nào san sẻ khó khăn với cộng đồng - xã hội, nhất là nhóm đồng bào khó khăn yếu thế, để trong hành trình đi lên của cộng đồng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Với người ngoài chúng tôi đã không muốn có người rơi lại phía sau… thì trong gia đình Hưng Thịnh chúng tôi lại càng không muốn ai bị thiệt thòi. Mọi nỗ lực đóng góp cho gia đình luôn được ghi nhận xứng đáng. Tôi thường chia sẻ với anh em, tôi muốn tôi giàu thì mọi người xung quanh cũng khá hơn, giàu một mình thì có gì là vui đâu, đừng nói chi tới hạnh phúc.
Trở lại với câu chuyện anh kể, khi ấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sau khi tính toán tôi thấy Tập đoàn có thể giữ nguyên các chế độ lương thưởng, phúc lợi các thứ cho nhân viên thêm vài tháng nữa. Vì vậy tôi mới cảm ơn thiện chí của những nhân viên ấy. Tuy nhiên tôi cũng có gợi ý như anh nhắc.
Anh ạ, khi chưa vào túi, chưa vào tài khoản của mình dù là lương của mình đấy nhưng cho đi vẫn còn dễ; đã “tin tin” rồi thì nó “bắt rễ” liền khó rứt ra lắm. Hơn nữa làm như tôi đề nghị - tự mình cho đi, tự mình nghĩ ra đồng bào ở gần mình cần gì, mình có thể san sẻ được bao nhiêu… cũng là một cách chủ động với tình huống, tôi nghĩ đợt dịch bệnh này là một phép thử, là môi trường khắc nghiệt để anh em soi chiếu và phát triển bản thân.
● Rồi kết quả thế nào thưa anh?
- (Cười vang). Thật ra là tùy vào điều kiện của mỗi người và tôi chỉ đề nghị nên cũng không để ý nhiều. Nhưng tôi biết, không chỉ là góp tiền, góp của không đâu, một số bạn sau đó còn chủ động góp sức mình tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, tích cực hỗ trợ đồng bào; có người vận động người nhà gom góp lương thực, thực phẩm tiếp tế cho đồng bào trong vùng cách ly gặp khó khăn, đưa cả ô tô riêng đi làm việc nghĩa, tham gia tổ chức đưa bà con đồng hương Bình Định lánh dịch về quê nhà… Nói chung tôi rất vui vì nhân viên của mình biết nghĩ đến cộng đồng.
Tập đoàn Hưng Thịnh tặng xe cứu thương hỗ trợ tỉnh Bình Định trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cũng xin được nói thêm, trong giai đoạn 2020 - 2021, Tập đoàn Hưng Thịnh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đồng hành cùng cả nước khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19, chúng tôi đóng góp hơn 200 tỷ đồng để góp sức cùng Nhà nước phòng chống dịch bệnh, tổ chức một số hoạt động thiết thực tại nhiều tỉnh thành như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên và tất nhiên là Bình Định…
Quê hương, đó là điều hết sức thiêng liêng!
Với tình yêu quê hương tha thiết, nhiều năm qua, cùng với việc hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào nói chung, anh Nguyễn Đình Trung và Tập đoàn Hưng Thịnh đã dành nhiều tâm trí, tài lực giúp đỡ đồng bào Bình Định tại quê nhà cũng như ở khu vực các tỉnh phía Nam. Không chỉ có vậy anh còn góp nhiều công sức để xây dựng Bình Định ngày càng thêm giàu đẹp bằng những chương trình thiết thực, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục và thể thao.
● Thưa anh Trung, anh đã làm được khá nhiều việc cho quê hương Bình Định…
- Trong sức mình, khả năng của mình tôi rất thích làm những điều có lợi cho quê hương, để quê hương ngày càng thêm giàu đẹp, để bà con mình ngày càng được hưởng nhiều niềm vui hơn. Nhưng thành thật mà nói, chỉ ngay trong số anh em doanh nhân Bình Định không thôi thì phần của tôi cũng rất khiêm tốn, chưa đáng để anh nói là “khá nhiều”.
● Thưa anh Trung, bà con rất quan tâm đến câu chuyện này…
- Chắc bà con Bình Định muốn biết vì sao tôi làm những việc ấy, thật ra nếu nói về nguyên nhân thì câu trả lời cũng đơn giản, gọn lắm - Vì tôi là người Bình Định, tôi yêu quê hương tôi! Ở trong tôi có mã di truyền xứ sở, có ADN Bình Định.
Không chỉ tài trợ một số cơ sở vật chất thể thao cho trường học cũ ở TX Hoài Nhơn, Tập đoàn Hưng Thịnh còn tài trợ tỉnh nhà tổ chức Đêm võ đài Bình Định, không chỉ giúp võ cổ truyền quê hương có thêm cơ hội thi đấu cọ xát mà đây còn là một thành tố quan trọng để tỉnh kiến nghị UNESCO vinh danh võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ có vậy Hưng Thịnh còn đưa đội bóng đá Bình Định trở lại V-League…
● Dài dòng như vậy là vì nhiều người thắc mắc vì sao anh quan tâm đến thể thao nhiều như thế?
- Tôi dành khá nhiều sự quan tâm để hỗ trợ cho hoạt động giáo dục ở Hoài Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung, với tinh thần “tạo dựng nền tảng vững vàng cho nhiều thế hệ bắt đầu từ sự học”. Với tinh thần đó, tôi muốn truyền cảm hứng, tạo động lực để các thế hệ đàn em vừa ham học vừa mê chơi thể thao, siêng tập thể dục, việc cổ vũ này đúng theo lời người xưa đã đúc kết “một tinh thần minh mẫn chỉ có trong những thân thể khỏe mạnh”. Ủng hộ cho võ cổ truyền Bình Định và bóng đá cũng nằm trong quan niệm này.
Sau khi được Tập đoàn Hưng Thịnh tiếp nhận, đội bóng đá Bình Định đã đổi thay tích cực từ diện mạo đến nội dung.
Về mảng võ tôi không dám nhận mình có công bởi tự thân võ cổ truyền Bình Định đã là một di sản văn hóa rất lớn, nhiều lắm thì tôi chỉ góp sức tạo đà quảng bá thôi. Nhưng với bóng đá thì khác một chút. Tôi cũng thích bóng đá lắm, anh nhớ không, thời anh em mình lớn lên “ngựa ô Bình Định” chơi rất được đấy chứ. Khi “ngựa ô” cứ ngụp lặn mãi ở giải hạng Nhất, chúng tôi góp sức với tỉnh vực dậy. Nhưng về sau chính nhiều lãnh đạo tỉnh và ngành TDTT cũng như nhiều anh chị em quê nhà động viên tôi nhận “nuôi” “ngựa ô” cho bài bản, sau khi cân nhắc chúng tôi đã tiếp nhận và đội bóng đã trở lại với V-League.
● Nhưng TopenLand Bình Định không phải là ngựa ô….
- Đúng rồi anh! Tôi cũng xin chia sẻ, với quá trình đầu tư bài bản như thế tôi có nói với anh em quản lý đội bóng, phải dám nuôi khát vọng vươn lên hàng đầu chứ đừng bằng lòng ở vị trí của một kẻ thách thức, chỉ là “ngựa ô”; phải có một vị trí khác xứng đáng hơn. Thể thao tạo điều kiện, tác động để giáo dục phát triển, nuôi dưỡng khát vọng một phần cũng là vậy đấy anh!
Đưa hình ảnh Quy Nhơn - Bình Định ra với thế giới
Tập đoàn Hưng Thịnh đã tổ chức khá nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật với quy mô và sự độc đáo ở Quy Nhơn theo cách của mình. Có thể kể đến chương trình biểu diễn nghệ thuật trên biển với chủ đề “Symphony of The Sea & Sun”, chương trình nghệ thuật “Quy Nhơn Ngày Xanh Nắng” quy tụ loạt nghệ sĩ hàng đầu nhân dịp chào đón năm mới 2021. Hoặc nho nhỏ nhưng khá thú vị là mời ca sĩ Bằng Kiều làm mới ca khúc “Quy Nhơn thành phố thi ca” của Nguyễn Thụy Kha. Không thể không thừa nhận rằng cùng với các dự án đầu tư, những hoạt động văn hóa nghệ thuật như vậy giúp nhiều người biết và yêu Quy Nhơn - Bình Định nhiều hơn.
● Có vẻ như anh đang muốn đưa hình ảnh Quy Nhơn - Bình Định ra với thế giới?
- Như lúc nãy tôi có nói với anh đấy, “trong tôi có mã di truyền xứ sở, có ADN Bình Định”, đã yêu thì phải nói chứ đúng không, chứ như cái cậu trong bài hát “Phượng hồng” hết thì tội lắm - nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi thành câm… đấy (cười)!
Có lần sau khi đi Hồng Kông và một số nơi khác nữa về, bác Tô Tử Thanh (đồng chí Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - NV) có trò chuyện với tôi đại ý khuyên tôi nên cố gắng góp sức đầu tư đưa Bình Định đi lên xứng tầm. Rồi nhiều lúc trò chuyện với nhau, TS Trần Du Lịch cũng gợi ý tôi nên đi vào mảng du lịch ở quê nhà. Tôi với anh Lịch rất tâm đắc ở chỗ quê mình rất đẹp. Nhiều năm qua cùng với việc xúc tiến thu hút đầu tư, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã dày công làm cầu cống, đường sá, mở thêm nhiều tuyến đường mới… Vì thế tôi quyết định đầu tư thật bài bản về Bình Định với quy mô lớn tập trung vào hai lĩnh vực then chốt bất động sản và du lịch. Hiện giờ tôi chưa thể tiết lộ gì nhiều, nhưng chúng tôi đã và đang đồng hành với tỉnh trong một số hoạt động tư vấn phát triển về quy hoạch, phát triển du lịch, rồi các anh sẽ sớm biết chi tiết hết thôi.
● Tỉnh Bình Định đang tập trung đầu tư rất nhiều tài lực, trí tuệ để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực mũi nhọn, không chỉ giới doanh nhân mà cả nhiều đồng bào Bình Định cũng hy vọng những dự án mà anh đã - đang và sẽ cho triển khai ở quê nhà sẽ sớm tạo động lực đủ mạnh góp phần làm thay đổi diện mạo ngành kinh tế này...
- Tự tôi và tôi cũng thường xuyên nhắc nhở anh em Hưng Thịnh cố gắng hợp tác với bà con địa phương những nơi mình đến sản xuất, kinh doanh, tránh tối đa các va chạm, xung đột. Hợp tác thân thiện là một giá trị cốt lõi quan trọng của chúng tôi.
Một góc Hải Giang, bán đảo Phương Mai, nơi Tập đoàn Hưng Thịnh đang triển khai một đại dự án du lịch - thương mại - giải trí - nghỉ dưỡng.
Ví dụ như chúng tôi có một dự án lớn bên Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Nhiều người đã ao ước toàn bộ khu vực này là đất trống, khỏi có dân cư để làm cho sướng, nhưng tôi thì tôi không nghĩ vậy. Tất nhiên nếu đông quá thì cũng khó nhiều bề, nhưng nếu Nhơn Hải mà không còn làng chài, không còn những hoạt động văn hóa đặc trưng của vùng đất bán đảo này, thưa vắng những cư dân thân thiện hồn hậu thì đó là điều tôi tuyệt đối không muốn. Như tôi đã nói ở trên, tôi muốn “không ai bị bỏ lại phía sau”, “tôi giàu thì mọi người xung quanh cũng khá hơn”. Được bà con hy vọng như thế cá nhân tôi hạnh phúc lắm nên đầu tư về quê nhà lại càng phải giữ gìn hơn.
● Xin cảm ơn anh! Hy vọng ở những cuộc trò chuyện kế tiếp ta sẽ nói với nhau thật nhiều về những chuyện vui hơn nữa ở quê hương mình!
BÁ PHÙNG (Thực hiện)