Đất Võ trong vận hội đất dụng Võ
Tôi hay đến Khu Đô thị Khoa học Giáo dục Quy Hòa, không những do các cuộc hội thảo, triển lãm hoặc hòa nhạc, mà còn vì thích đi dạo trên bãi cát, lắng lòng nghe cuộc thay đổi huyền nhiệm của gương mặt Quy Nhơn, gương mặt Bình Định.
Nhìn vóc vạc Bình Định trên bản đồ đất nước, tôi thấy có dáng một cánh buồm mở. Cánh buồm ấy đã đi qua nền văn hóa rực rỡ cổ trung đại, ngoài lũy thành đền tháp, giờ thỉnh thoảng giới khảo cổ trưng ra một vài chứng tích huy hoàng của người tiền trú. Những trang sức, vật gia dụng của văn hóa Sa Huỳnh hay những kiệt tác của điêu khắc Champa nói với tôi về sự giao thương giữa lục địa và hải đảo, giữa đất này và láng giềng Philippines, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, và xa rộng hơn đến Ấn Độ, các nước khu vực Trung Á, Trung cận đông...
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Ảnh: ICISE
Và thật thú vị, bức phù điêu nữ thần Mahishasuramardini từ Bình Định vừa được công nhận bảo vật quốc gia chính là hiện thân của Devi Durga sùng kính, vợ của thần Shiva, sở hữu sức mạnh hóa thân của nhiều vị thần tạo dựng vũ trụ. Tôi cứ tưởng tượng miền linh địa Vijaya, lưu dấu thiên niên kỷ xa xưa như sàn nhảy hoàn vũ của thần Shiva, hiện diện điệu múa quyền uy và nõn nà của nữ thần phu nhân đại diện năng lượng tinh khiết, sự quyến rũ siêu nhiên ấy.
Hai tiếng vũ trụ xưa nay luôn có mẫn cảm riêng với cơ vận lịch sử văn hóa Bình Định. Quy Nhơn thập kỷ qua được gọi kèm cụm từ “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” bắt đầu từ cung biển Ghềnh Ráng - Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - cung điện vật lý cho đến nay đã in bóng những nhà vật lý lượng tử, vật lý thiên văn, vật lý vũ trụ hàng đầu của thế giới đương đại.
Miền đất Quy Nhơn với những chương trình Gặp gỡ Việt Nam và các hội nghị hội thảo khoa học có đẳng cấp quốc tế đã trở thành thành phố độc đáo có một không hai của khu vực Đông Nam Á khi làm nơi hội tụ các tên tuổi lớn trong diễn trình khoa học toàn cầu, còn lưu kỷ niệm trong khu vườn Nobel với những cây hoa sứ, tùng la hán, phát tài núi... Từ ICISE có Viện Nghiên cứu IFIRSE với 2 nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết và Vật lý hạt cơ bản neutrino và Trung tâm Khám phá Khoa học với hệ thống mô hình hệ mặt trời, trái đất và tài nguyên thiên nhiên, các quy luật của tự nhiên... nhằm đời thường hóa đời sống vũ trụ, đưa những tinh cầu xích lại với công chúng, kích thích tình yêu khoa học của thế hệ trẻ.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc (đứng giữa) trao đổi với các đại biểu tại một hội thảo khoa học về môi trường diễn ra tại ICISE. Ảnh: ICISE
Bên cạnh việc tìm hiểu và thưởng thức khung cảnh thơ mộng của không gian ICISE với tên tuổi vợ chồng GS Trần Thanh Vân & Lê Kim Ngọc, tôi cũng hay ghé Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn với Công viên Sáng tạo TMA Bình Định (TMA Innovation Park- TIP) của vợ chồng TS Nguyễn Hữu Lệ & Bùi Ngọc Anh. Nếu GS Trần Thanh Vân có hy vọng biến nơi này thành Princeton của Việt Nam thì TS Nguyễn Hữu Lệ có khát vọng trao truyền nguồn cảm hứng ở thời chất xám người Việt trẻ ghi danh lên bản đồ thế giới. Với niềm tin “muốn thế giới biết đến Việt Nam”, từ đầu thế kỷ XXI, ông đã quyết tâm về Việt Nam, sau những năm tuổi trẻ và trung niên làm việc với Nortel - Tập đoàn viễn thông lớn nhất Bắc Mỹ ở Canada, lần lượt Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Nortel tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Tiếp thị Toàn cầu của Nortel, Tổng Giám đốc Công ty Paragon Châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Paragon Solutions Việt Nam và Paragon Solutions Ấn Độ, ông về nước toàn tâm toàn ý với TMA Solutions. Từ đôi tay của một chú bé “phải bò mình trên ruộng bùn không có nước để bắt từng con cá” của thời niên thiếu cơ cực ở Mỹ Chánh đến chủ sở hữu một TMA Solutions - công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam và khách hàng là những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, là khoảng cách của một ý chí, một trí tuệ, một bản lĩnh Bình Định trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng Công viên Sáng tạo TMA (TMA Innovation Park - TIP) phong phú, hiệu quả nhiều chuỗi hoạt động, kết nối hài hòa trong không gian Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, góp phần cùng Khu nghiên cứu và phổ biến khoa học đưa Quy Nhơn hiện thực hóa dự án khu đô thị khoa học đầu tiên của cả nước.
Theo cách nhìn địa - văn hóa bây giờ, Bình Định nằm ở mặt tiền, cánh buồm thường trực ánh mắt hướng biển. Mặt tiền của những thế kỷ quá khứ mà các cảng thị luôn mở ra, giao lưu và tiếp biến với thế giới, và lưu lại ngày nay những ký ức đại dương kết nối với lục địa cùng những phẩm vật văn hóa tuyệt trần. Từ điệu múa sáng thế trong quan niệm vũ trụ cổ đại phương Đông đến thế giới hạt và sóng của vật lý hiện đại phương Tây là khoảng cách thiên niên kỷ của những thức nhận, tương tác, sẻ chia, lan tỏa... trong cõi nhân quần. Tôi không rõ năng lượng vũ trụ nào trên cánh buồm Bình Định đã tạo nên cái mà phân tâm học gọi là “cổ mẫu” còn bàng bạc ở xứ sở này hay không, mà thơ Hàn Mặc Tử luôn quấn quít đất trời này: “Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh/ Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới”...
Khi nói về Bình Định với danh xưng miền đất võ, người ta thường hiểu bằng khái niệm đất phát tích, kết tinh từ những sáng tạo, hợp lưu, tiếp biến của các dòng võ thuật ở một vùng đất, hình thành và phát triển từ những thế kỷ phên giậu của đất nước, qua đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội, thăng hoa thành đẳng cấp quốc gia khi cấu thành trên sa bàn binh pháp của triều đại Tây Sơn. Trong ý nghĩa nguyên khí có thể hiểu là “võ dụng đất” ấy, đã dung chứa nghĩa song hành, và mở rộng hơn, là “đất dụng võ”, dang tay đón nhận như môi trường thi triển và đắc dụng của tiềm lực và khát vọng, và tất nhiên, không chỉ ở võ thuật.
Bao nhiêu hảo hớn, nho gia Đàng Ngoài, Đàng Trong thời tụ nghĩa, qua huân nghiệp văn trị võ công thành tuấn kiệt hiền tài trong thời đại Tây Sơn, đã minh chứng cho điều ấy. Trải qua những thế kỷ cổ trung cận đại cho đến bây giờ, đi qua những biến thiên long trời lở đất, tính cách người dân xứ sở này trong sự bộc trực chân thành vẫn ẩn chứa những thâm trầm kín đáo cần thiết. Ngay cả người con trai tiêu biểu nhất của đất võ cũng hết sức khiêm cung trước ánh hào quang tột đỉnh, tự nhận mình là “người áo vải” “không một thước đất” dù ông biến miền đất chôn nhau cắt rốn của mình thành biểu tượng rực rỡ cho đời sau khí chất “đất võ” và phẩm cách “đất dụng võ”.
NGUYỄN THANH MỪNG