Độc đáo kho tàng võ y Bình Định
Là một phần trong di sản văn hóa phi vật thể quốc gia võ cổ truyền Bình Định, võ y Bình Định có tính ứng dụng cao nhờ sự kế thừa liên tục, chắt lọc tinh hoa và tiếp nối bởi nhiều thế hệ. Trên hành trình vươn đến vinh quang tầm quốc tế của võ cổ truyền Bình Định, đóng góp của võ y Bình Định không hề nhỏ.
NHIỀU BÀI THUỐC TỐT, CÁCH CHỮA TRỊ HAY
Năm 2019, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, BVĐK tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, nghiên cứu tác dụng các bài thuốc dùng trong võ cổ truyền, và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị của võ y Bình Định”. Đây là lần đầu tiên võ y Bình Định được đặt dưới lăng kính khoa học một cách bài bản. Qua khảo sát thực tế tại nhà nhiều võ sư, võ nhân Bình Định trong và ngoài tỉnh, nhóm nghiên cứu sưu tầm được hơn 300 bài thuốc, trong đó có 80 bài thuốc thuộc nhóm “dược phương bí truyền” do 25 võ sư, đại võ sư... giữ gìn, tinh chọn, phát triển đã nhiều năm trong quá trình theo đuổi nghiệp võ.
Hội thảo khoa học sau đó được tổ chức với sự tham gia của nhiều võ sư, lương y, dược sĩ có kinh nghiệm về dược liệu và y học cổ truyền... Trước, trong và cả sau Hội thảo này, tất cả đã cùng nhau phân tích thảo luận về 80 bài thuốc kể trên từ nhiều khía cạnh. Kết quả bước đầu đã thống nhất những bài thuốc trên chủ trị 17 nhóm bệnh lý, hầu hết là những chứng thường gặp trong thi đấu võ thuật như: Chấn thương đầu, ngực, mũi, toàn thân, các trường hợp bất tỉnh, thổ huyết, sưng tụ máu, trật khớp, gãy xương, bong gân và nói chung là bị nội thương. Những người tham gia phân tích, thảo luận cũng thống nhất có 14 phương pháp chế biến 80 bài thuốc võ, trong đó thông dụng nhất là ngâm rượu hoặc sắc uống, tiếp đó là các phương pháp tán bột hòa rượu uống, tán với rượu xoa ngoài, tán bột, sắc nước hoặc ngâm rượu.
Kho tàng võ y Bình Định hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc, vì thế các nhà nghiên cứu cũng thống nhất công trình khoa học kể trên chỉ mới khai phá bước đầu, giúp phát lộ một phần nhỏ di sản tổ tiên để lại. Thực tế còn khá nhiều võ sư, đại võ sư có nhiều cách chữa trị, bài thuốc hay nhưng chỉ lưu truyền nội bộ trong môn phái, võ đường mà các nhà nghiên cứu chưa tiếp cận và công trình khoa học kể trên chưa ghi nhận hết.
Một trong số người có nhiều đóng góp cho võ y Bình Định là đại võ sư Trần Hải (80 tuổi, ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), Chưởng môn phái Thanh Thiên Việt Võ Đạo, người đã chịu khó học hỏi từ nhiều thầy giỏi về quyền, binh khí và đặc biệt là võ y ở các vùng đất võ An Nhơn, Tây Sơn... Ông dành nhiều thời gian viết sách y lý trị liệu gồm 4 phần (mạch, tính dược, phương thang, lâm sàng) đúc kết kinh nghiệm thực hành rất nhiều năm về võ y nói riêng và đông y nói chung, cùng nhiều bài thuốc hay để truyền lại cho học trò. Sách của ông hiện đang ở giai đoạn tinh chỉnh.
Đại võ sư Trần Hải bắt mạch để chữa trị cho một người bị chấn thương.
Đại võ sư Trần Hải cho biết: Với những học trò đã đủ trình độ để đi truyền dạy, tôi thường trao truyền thêm về võ y, ít nhất là cũng phải biết chữa trị các chấn thương cơ bản, thường gặp.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ “THUỐC VÕ”
Võ y Bình Định đã khẳng định giá trị từ lâu đời, không chỉ phổ biến trong giới võ thuật mà còn trong cả đời sống.
Ví dụ tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam năm 2019 tại Bình Định, võ sư Ait Medjber Rabie (Algeria) kể chuyện ông đã chữa trị nhiều năm mà chưa khỏi một chấn thương vùng vai khi tập luyện võ thuật. Nghe vậy, TS - võ sư cao cấp Hồ Minh Mộng Hùng, Phó trưởng khoa Giáo dục thể chất - Quốc phòng (Trường ĐH Quy Nhơn) bèn nhiệt tình đưa vị khách quốc tế về nhờ cha mình là đại võ sư Hồ Minh Thế (ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) chẩn trị.
Võ sư Ait Medjber Rabie kể lại: “Chỉ trong một thời gian rất ngắn và thật đáng ngạc nhiên là chấn thương có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Tôi cũng có nghe kể về võ y Bình Định nhưng không nghĩ là lại hiệu quả đến thế. Tôi sẽ sắp xếp để khi có dịp sẽ quay lại Bình Định dành thời gian học hỏi thêm về võ y”.
Chuẩn võ sư Phan Minh Hải (30 tuổi) - cháu ngoại cố đại võ sư Phan Thọ, chưởng môn đời thứ ba của võ đường Phan Thọ - chia sẻ: “Tôi ở với ông từ nhỏ đến lớn, không chỉ nghe giảng giải lý thuyết mà còn được xem ông trực tiếp chữa trị chuyên về trật đả như chấn thương, nứt, gãy xương khi thi đấu, tập luyện võ thuật, thể thao, té ngã... Nhiều người trong và ngoài tỉnh đến chữa trị, tôi được ông tạo điều kiện thực hành thường xuyên. Sau khi ông mất năm 2014, tôi nỗ lực gìn giữ, phát huy không chỉ các bài quyền, binh khí mà còn cả về võ y theo tâm nguyện của ông”.
Một trưa giữa tháng 12.2021, ông Nguyễn Văn An (54 tuổi, ở xã Iae, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vượt đường xa đến võ đường Phan Thọ. “Tôi bị đau lưng và lật sơ mi cổ chân do khiêng nặng và té ngã khi đi rẫy. Tôi tìm đến thầy Hải qua giới thiệu của một người cùng xã bị trật khớp vai và đã được thầy Hải chữa nhanh, hiệu quả. Chỉ vài chục phút được thầy Hải xoa bóp, mằn chỉnh kết hợp với thuốc xoa mà giảm đau thấy rõ, tôi tin tưởng mua thêm thuốc về sử dụng để mau khỏi”, ông An cho hay.
Võ đường Phan Thọ cũng giới thiệu thêm về thuốc võ gia truyền qua kênh facebook của võ đường, thu hút sự quan tâm của nhiều người ở các tỉnh, thành trong nước. Chuẩn võ sư Phan Minh Hải cho biết thêm: “Võ đường có được sự kết nối, hỗ trợ từ Bảo tàng Quang Trung, các DN lữ hành để đưa khách đến tham quan, xem biểu diễn võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định và mua thuốc võ về sử dụng hay làm quà tặng. Thời điểm khi chưa có đại dịch Covid-19, Tây Sơn - Bình Định thu hút nhiều du khách, vào cao điểm mùa du lịch thì mỗi tháng võ đường bán được hơn 1.000 chai thuốc võ. Năm 2021 dịch phức tạp hơn, ở xa mua vận chuyển cũng tốn kém hơn nhưng nhiều khách vẫn đặt mua, như giữa tháng 12.2021 có người ở tận Cao Bằng đặt mua 20 chai thuốc xoa bóp...”.
"Võ y cần được quan tâm bảo tồn và phát huy theo các hình thức phù hợp trong thời đại ngày nay. Những bài thuốc, cách thức chữa trị vẫn mang tính hữu dụng cao phục vụ người dân khi gặp một số chấn thương, nội thương... Một trong những trường hợp cụ thể là cuối tháng 11.2021, có cặp vợ chồng ẵm con nhỏ tìm đến nhờ thầy xem giúp tay cháu bị thương có chỗ lồi hẳn lên như bị gãy xương, vô bệnh viện khám thì bác sĩ bảo cần nhập viện, phẫu thuật. Tôi xem sơ và dùng tay mình ấn, lắc nhẹ nhàng đưa khớp cổ tay cháu trở lại bình thường chỉ trong vài chục giây...".
Đại võ sư LÊ XUÂN CẢNH (78 tuổi, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn)
"Để góp phần hỗ trợ công tác lập hồ sơ võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO xem xét vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về võ cổ truyền Bình Định, trong đó có một phần quan trọng là võ y, theo hướng khảo sát, nghiên cứu thêm sau khi đã có nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đầu tiên về võ y Bình Định năm 2019 mà tôi là thành viên hội đồng đánh giá... Tôi sẽ đi sâu phân tích võ y trong những giá trị, ý nghĩa của võ đạo Bình Định để cứu giúp người dân, đồng thời có thể phát huy phục vụ du lịch".
TS - võ sư cao cấp HỒ MINH MỘNG HÙNG
HOÀI THU