Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2014:
Góp sức chăm lo cho trẻ thiệt thòi
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), từ nhiều năm qua, hoạt động chăm lo cho trẻ em thiệt thòi luôn nhận được sự quan tâm góp sức của nhiều đơn vị, cá nhân. Với các công ty đóng trên địa bàn tỉnh của Tổng Công ty May Nhà Bè, sự quan tâm được dồn vào đối tượng trẻ khuyết tật, nhà nghèo học giỏi.
Chia sẻ khó khăn
Cách đây 4 năm, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Minh Thu (ở khu vực 12, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) hứng chịu nỗi mất mát lớn. Người cha, người chồng đã ra đi sau hơn 2 năm chống chọi với bệnh suy thận. Từ đó, căn nhà vốn đã nhỏ bé lại oằn mình trước những cơ cực khi thiếu bóng dáng của trụ cột gia đình. Một mình chị Thu tảo tần, ngày nắng cũng như mưa gắn chặt với hàng trái cây ở chợ khu 6.
Trong số 3 đứa con của chị Thu, Nguyễn Thị Ngọc Sương là “út ót” và cũng là con gái duy nhất. Năm Sương lên 5, một buổi sáng, bà nội đưa đến trường mẫu giáo. Bà vừa về thì cô giáo gọi cha mẹ lên gấp, vì bé bất ngờ khuỵu gối, chẳng thể nào đứng dậy nổi. Từ BVĐK tỉnh, Sương được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) để trị chứng viêm tủy cắt ngang. “Vái tứ phương nhưng bệnh không khỏi, 5 năm qua, Sương đã thôi dùng thuốc, chỉ điều trị bằng vật lý trị liệu”, chị Thu cho hay. Hiện nay, Sương đang là học sinh Trường THCS Ngô Mây. Toàn bộ nửa thân dưới không điều khiển được, Sương phải nhờ anh trai đưa đón.
Bốn mẹ con chị Thu sống trong một căn nhà nhỏ lọt thỏm trên con hẻm sâu ở đường Hoàng Văn Thụ. Năm lần vá, bảy lần sửa, căn nhà vẫn ọp ẹp, cứ mưa xuống lại ngập nước. Tháng 5.2013, một căn nhà mới vững chãi được dựng lên. Chị Võ Thị Hồng Phương, chuyên trách công tác Trẻ em - Gia đình của UBND phường Ngô Mây, cho biết: “Tổng Công ty CP May Nhà Bè hỗ trợ 30 triệu đồng, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cũng góp 9 triệu đồng. Các hội đoàn thể ở địa phương cũng chung tay cùng họ hàng giúp gia đình khó khăn này có mái ấm khang trang”.
Không chịu cảnh khuyết tật như Ngọc Sương, nhưng Lê Thị Ngọc Liên (11 tuổi, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) cũng có cảnh nhà ngặt nghèo không kém. Liên có 3 em, em trai kề Lê Tấn Ánh (8 tuổi) và 2 em song sinh Lê Thị Mỹ Tiên và Lê Thị Mỹ Liên (7 tuổi). Lúc còn nhỏ xíu, Ánh đã nhiều lần bị sốt co giật, nhà nghèo nên không được chữa trị tới nơi tới chốn. Giờ, cậu bé vẫn chưa nói rõ cả tên mình. Cha Liên đi làm rẫy thuê ở Gia Lai, mẹ quanh quẩn ruộng đồng, còn nuôi cha mẹ tuổi ngoài bảy mươi.
Hằng ngày, Liên phải chở Ánh đi học. Tháng 7.2013, nhờ thành tích học giỏi, em được tặng xe đạp và nhiều dụng cụ học tập trị giá 1,5 triệu đồng. “Có xe mới, sên xích mới, con chở em đi học mà đạp nhẹ hều, thích lắm”, Liên thật thà chia sẻ.
Nhân lên tình thương
Trên đây là 2 trong số hàng trăm trường hợp được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh của các công ty thành viên tại Bình Định của Tổng Công ty CP May Nhà Bè được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Ngoài nhà ở, học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập, chương trình này còn hỗ trợ sinh kế cho các gia đình có trẻ khuyết tật.
“Nhờ làm tốt khâu xét chọn, nên các khoản hỗ trợ đều đến được với đối tượng thật sự ngặt nghèo. Đặc biệt, với các gia đình có trẻ khuyết tật được hỗ trợ sinh kế, khoản hỗ trợ đã trở thành “cần câu”, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Phan Thanh Dũng nhận định.
Hiện nay, Tổng Công ty CP May Nhà Bè có 7 công ty thành viên hoạt động trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Dân, Trưởng Chi nhánh Bình Định của Tổng Công ty, khoản hỗ trợ hằng năm được phân bổ hợp lý cho các công ty thành viên. Ví như năm 2014, Công ty CP May Tây Sơn mới thành lập chỉ được phân bổ kinh phí hỗ trợ xây 1 nhà, trong khi 6 công ty còn lại hỗ trợ xây 12 nhà.
“Điều đặc biệt là chương trình hỗ trợ an sinh xã hội nhận được sự đồng thuận của cán bộ, nhân viên các công ty thành viên. Chúng tôi có khoảng 9.000 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Bình Định. Khoản đóng góp của mỗi người có thể không nhiều, nhưng cộng lại thì đủ sức để giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi thường cho công nhân xem hình ảnh về các em thiệt thòi được giúp đỡ, để họ thấy tình thương đã giúp các em vươn lên trong cuộc sống”, ông Dân tâm sự.
NGUYỄN VĂN TRANG