TS NGUYỄN HỮU LỆ - CHỦ TỊCH TMA
Chúng ta có thể thành công ngay trên quê hương mình
Cho đến nay việc TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA, trở về Quy Nhơn - Bình Định - Việt Nam để đầu tư, làm việc và cống hiến, hay như ông thường xuyên chia sẻ với một số thân hữu “Tôi muốn phụng sự quê hương” vẫn còn khiến nhiều người bất ngờ. Nhân dịp xuân mới, TS Nguyễn Hữu Lệ có cuộc trò chuyện thân mật với Báo Bình Định.
Năm 1967 rời vùng quê nghèo Mỹ Thọ, Phù Mỹ, chàng trai Nguyễn Hữu Lệ chọn Australia trước 3 cơ hội du học tại Mỹ, Australia và Nhật Bản. Năm 1977, sau khi đạt được học vị tiến sĩ chuyên ngành viễn thông tại Trường ĐH Adelaide (Australia), TS Nguyễn Hữu Lệ sang Canada làm việc cho Nortel - tập đoàn viễn thông lớn và nổi tiếng tại Bắc Mỹ. Suốt những năm du học, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, ông kể, tôi luôn ước muốn trở về Việt Nam để dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình phát huy năng lực của thế hệ trẻ và góp phần phát triển ngành công nghệ cao Việt Nam. Tôi cũng thấy rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng về sản xuất phần mềm như Ấn Độ.
Thưa ông, xin được hỏi ngay là vì sao đang làm sếp một DN đẳng cấp quốc tế, ông lại về đầu tư ở Việt Nam, không chọn thành phố lớn thuận lợi mà lại về Quy Nhơn - Bình Định?
- Kinh doanh không chỉ có tiền, vì tiền, mà còn là để làm được điều gì đó để lại cho đời, trả ơn người, đền ơn cho quê hương. Trước hết, tôi muốn là một người biết ơn. Tôi biết ơn vì được sinh ra là người Việt Nam, được trở về và làm nhiều chuyện cho xã hội, con người Việt Nam sau 33 năm bôn ba xứ người. Lòng biết ơn, sự tử tế là những giá trị cốt lõi luôn được chúng tôi nuôi dưỡng, thể hiện qua chính sách lao động, chiêu mộ và sử dụng người tài, tạo môi trường làm việc, sáng tạo… của chúng tôi.
TS Nguyễn Hữu Lệ. Ảnh: NVCC
Năm 1992 sau một chuyến về nước tôi nhận ra rằng, nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng mức, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm. Sau nhiệm kỳ ở Nhật, tôi tình nguyện làm Giám đốc tiếp thị cho Nortel để mở rộng thị trường Việt Nam.
Vợ chồng tôi là người con của miền Trung, luôn có tình cảm và niềm tin vào người miền Trung cần cù, thông minh, ham học hỏi và rất nhiều người thành công. Tuy nhiên, phần lớn người miền Trung thành công ở nơi khác. Từ lâu, chúng tôi có mong muốn đóng góp cho Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung, chúng ta có thể thành công ngay trên quê hương mình.
Có ba lý do cốt yếu để tôi chọn đầu tư vào Bình Định: Thứ nhất, đây là quê hương của tôi; thứ hai, tôi muốn tận dụng nguồn nhân sự từ nhóm sinh viên các trường đại học ở miền Trung, nhân sự ổn định hơn, trong khi ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cạnh tranh nhân sự sẽ lớn hơn nhiều, và thứ ba là sự tâm huyết, quyết liệt, không tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Năm 2017, khi anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, anh Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh và anh Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm vợ chồng tôi, giới thiệu về định hướng phát triển của tỉnh, chúng tôi rất ấn tượng với tầm nhìn và tâm huyết của các lãnh đạo tỉnh - ở đó thật sự có rất nhiều đổi mới có tính đột phá. Vợ chồng tôi tin rằng đây là thời điểm hội đủ “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” để làm điều gì đó cho quê hương. Và chúng tôi quyết định đầu tư với quy mô lớn - trong thời gian ngắn nhất, góp sức cùng với tỉnh xây dựng Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghệ cao tại miền Trung.
Hơn nữa tôi cũng rất ngưỡng mộ tâm huyết của vợ chồng GS Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc từ Pháp trở về đóng góp cho nền khoa học Việt Nam, về dự án xây dựng Trung tâm Khoa học Quốc tế và Giáo dục liên ngành - ICISE Quy Nhơn và mong muốn chung tay với vợ chồng giáo sư để hình thành và phát triển Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn.
Sau 3 năm thực hiện, Dự án Công viên Sáng tạo TMA (TMA Innovation Park) đã hoàn thiện, và trở thành “con sếu đầu đàn” trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao vào tỉnh Bình Định như TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế “gửi gắm” trong ngày khởi công Dự án vào năm 2018.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhưng TS Nguyễn Hữu Lệ rất yêu và dành cho lịch sử, văn hóa khá nhiều thời gian rảnh rỗi của mình. Ông luôn mong được đóng góp thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng như quảng bá đất và người Bình Định nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung với bạn bè gần xa.
Nếu không quá riêng tư, ông có thể cho biết vì sao lại hỗ trợ ông Nguyễn Thanh Quang in một cuốn sách về Bình Định?
- Năm 2018, một lần vào Đường sách TP Hồ Chí Minh, tình cờ tôi thấy tập sách Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian (Ban biên soạn lịch sử Giáo phận, NXB An Tôn & Đuốc Sáng, 2017). Như bắt gặp quê hương ngay giữa Sài Gòn, tôi mua về đọc, tập sách đã làm sống lại những hình ảnh quê hương Bình Định gắn bó với tôi một thời tuổi trẻ, rồi tôi quay lại hiệu sách mua hết những tập còn lại trên giá sách để tặng cho bạn bè, người thân.
Khi về Quy Nhơn, tôi nhờ anh Phan Phi Hổ - bấy giờ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - giúp làm quen với linh mục Võ Đình Đệ, một trong những tác giả của tập sách trên. Ở cuộc trò chuyện làm quen, linh mục Đệ tặng tôi tập sách Chữ Quốc ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông (GS Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, Linh mục Võ Đình Đệ, TS Trương Anh Thuận, NXB Đồng Nai, 2018), nhờ đấy mà tôi lại được làm quen với anh Nguyễn Thanh Quang.
Các nhân viên kỹ thuật và thực tập sinh Trường ĐH Quy Nhơn đang làm việc tại TMA. Ảnh: HỒNG HÀ
Tôi rất yêu quê hương Bình Định mình! Nên khi biết anh Quang đang hoàn thành bản thảo tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người, tôi xin phép được xem qua bản thảo và giúp anh xuất bản. Sau khi xem bản thảo, tôi ngỏ ý tài trợ toàn bộ chi phí in ấn tập sách. Tôi rất vui và nghĩ, giúp anh Quang xuất bản tập sách mà tôi cho là chứa đựng nhiều thông tin, tri thức cần thiết để quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Bình Định trong tiến trình lịch sử, cũng là một sự đóng góp cho quê hương. Và tập khảo cứu này chính là quà tặng của tôi cho một số thân hữu, các đối tác bởi tôi rất hãnh diện khi giới thiệu về lịch sử, văn hóa vùng đất “thượng võ, tôn văn” Bình - Định - quê - hương - tôi.
Với định hướng đầu tư lâu dài về nhân lực, từ nhiều năm qua Công ty TMA đã hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn và nhiều đại học khác tại miền Trung. Trung tâm Đào tạo TMA tại Bình Định (TMA Academy) dự kiến sẽ tiếp nhận và đào tạo 500 - 1.000 học viên mỗi năm, bao gồm sinh viên các ngành khác nhau yêu thích về công nghệ và tiếp nhận đào tạo các em đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm hoặc chọn nghề không phù hợp, các em tốt nghiệp THPT, điều kiện cần là các em có năng khiếu công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo 2 năm, chủ yếu là học nghề, tập trung vào các công nghệ mới, kỹ năng làm việc và môi trường làm việc thực tế sẽ giúp cho các sinh viên tự tin và sẵn sàng hơn khi đi làm.
Các học viên sau khi hoàn thành các khóa học tại Trung tâm Đào tạo với kết quả tốt sẽ được TMA Bình Định ưu tiên giữ lại làm việc. Ngoài ra, tới đây TMA Academy sẽ mở rộng chương trình đào tạo cho học viên miền Trung tham gia chung chương trình đặc biệt phục vụ cho nhu cầu nhân lực cao trong và ngoài nước (EU, Nhật, Úc…).
Các bạn trẻ muốn nghe ở ông một lời khuyên để có thêm động lực học tập, làm việc, ông có thể giúp họ không?
- Sự học là trọn đời, để có được thành công trong ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao, các bạn không bao giờ được ngừng học hỏi, phát triển bản thân. Bên cạnh các kỹ năng, kiến thức do nhà trường đào tạo, các bạn nên mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi thêm, chủ động tham gia các khóa đào tạo phù hợp để nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ… trang bị cho mình hành trang đầy đủ nhất khi ra trường.
Công viên sáng tạo TMA Bình Định. Ảnh: tma.vn
Các bạn trẻ tại Bình Định cũng như miền Trung - Tây Nguyên đang đứng trước cơ hội tuyệt vời khi nhu cầu việc làm trong ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao ngày càng tăng tại khu vực này. Cùng với đó, Trường ĐH Quy Nhơn và các trường đại học trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã và đang xây dựng được những chương trình đào tạo có chất lượng ngày càng cao, cập nhật xu thế thời đại và có sự hợp tác chặt chẽ với các DN để bảo đảm đầu ra việc làm cho các em sau này…
Tôi rất mong quý vị phụ huynh động viên con em mình chọn lựa việc học tập, xây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương, không chỉ gần gũi gia đình, tiết kiệm chi phí so với việc đi học xa nhà, sau khi ra trường còn có cơ hội đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển, đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của quê hương mình.
Với việc xây dựng Công viên Sáng tạo TMA Bình Định, các bạn sinh viên tại Bình Định sẽ có cơ hội tuyệt vời để làm việc trên chính mảnh đất quê hương của mình và áp dụng các công nghệ mới để hiện đại hóa nông nghiệp, thủy sản, phát triển công nghiệp tại địa phương.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
LÊ VÂN (Thực hiện)