Tản mạn về Võ Bình Định ở vùng đất phía Nam
Võ Bình Định đã vào miền Nam từ khi nào? Và hiện nay, giữa vùng đất mà nền kinh tế đang phát triển sôi động này, các môn phái võ Bình Định (hay có liên quan) đang tồn tại trong thực tế ra sao? Chúng tôi thử tìm trong sử sách, trao đổi với các nhà nghiên cứu, các võ sư để trả lời cho những câu hỏi này.
TỪ MỘT MÔN PHÁI CÓ MỐI LIÊN HỆ KHÁ MẬT THIẾT VỚI VÕ BÌNH ĐỊNH...
Võ phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà là một trường hợp khá cụ thể giúp ta có thể hình dung sự phát triển và tiếp biến của các dòng võ Bình Định khi đến với đất phương Nam. Tiến sĩ, võ sư Hồ Tường, đương kim trưởng tràng phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, là người đã có hơn 40 năm dạy võ và nghiên cứu lịch sử võ thuật. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà vừa gắn với lịch sử từ thế kỷ XVII của những bậc tiền hiền khai hoang vỡ đất vùng Tân Phước Khánh, đất Đồng Nai thuở xưa (nay thuộc TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); lại vừa gắn với bước chân lưu lạc của một người phụ nữ Bình Định - bà Võ Thị Trà, hậu duệ của một võ tướng Tây Sơn, đã đến lập nghiệp, dạy võ cho người dân tại vùng đất này vào giữa thế kỷ XIX, để rồi hình thành nên môn võ có tên Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.
Khăn rằn - một vũ khí của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà (Takhado).
Võ sư Hồ Tường giải thích, từ độ “mang gươm đi mở cõi”, những lưu dân Việt từ tứ xứ đến đây đã mang theo những đường quyền, thế võ của quê hương để phòng thân, chống lại hùm beo, cọp dữ. Vào thời này, các chúa Nguyễn cũng thường lưu đày nhiều người phạm tội chống lại nhà chúa vào Nam. Vì vậy, nhiều người Việt ở miền Nam xuất thân từ các vùng có truyền thống võ nghệ, lại giành giật sự sống trong cuộc chiến sinh tử với vùng quê mới còn hoang dã “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, nên hầu hết trong số họ rất thành thạo nghệ thuật chiến đấu. Vì võ họ sử dụng ở chốn miệt rừng nên gọi là Võ Lâm. Sau khi được bà Trà dạy võ, những bài bản võ Bình Định ấy đã được tích hợp cùng vốn võ nghệ họ có mà hình thành nên những bài quyền, thế võ căn bản của môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.
Là người được tập luyện võ thuật của môn phái này từ năm 6 tuổi do đích thân thân phụ - cố đại lão võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành (1914 - 2005) - một cây đại thụ của võ thuật miền Nam thế kỷ XX truyền dạy, khi tìm hiểu, so sánh tên, các lời thiệu bài thảo của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà với các bài thảo cổ truyền của các võ đường ở Bình Định đang bảo lưu, truyền dạy, võ sư Hồ Tường thấy có sự giống nhau đến 70%. Chẳng hạn như các bài quyền Ngọc trản, Thần đồng, Lão mai, Tứ môn, Tấn nhứt… Tuy nhiên, ở đây vẫn có đôi chỗ khác biệt. Có lẽ vì những cư dân nơi đất mới, chốn “rừng thiêng nước độc” đã có sự thêm thắt lời thiệu, đòn thế cho phù hợp với mình. Như lời thiệu bài thảo Thần đồng trong các phái võ tại Bình Định có 8 câu, trong phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà lại tới 20 câu. Binh khí thì ngoài thập bát ban binh khí giống nhau, các võ khí dân gian được sử dụng trong môn phái của ông cũng như một số phái võ Nam bộ, ngoài một số giống võ Bình Định như bừa cào, đòn gánh, lại có thêm cả câu liêm, chà gạc, mái chèo, chập chõa (còn gọi là chũm chọe) là những vật dụng địa phương; và đặc biệt là khăn rằn, thứ khăn thông dụng của người Nam bộ, không phải để múa chơi mà trong tay cao thủ có thể đánh vùn vụt rát mặt như một vũ khí nguy hiểm.
...ĐẾN VỚI CÁC VÕ ĐƯỜNG BÌNH ĐỊNH Ở MIỀN NAM
Theo những võ sư thông thạo về các môn phái võ ở miền Nam, hiện các tỉnh khu vực miền Nam có hơn 20 võ đường có nguồn gốc từ võ Bình Định hoặc có tên Tây Sơn - Bình Định trong danh xưng môn phái, như: Bình Định Sa Long Cương, Bắc phái Tây Sơn Xuân Bình Võ thuật đạo, Thiếu Lâm Tây Sơn…
Ở các trung tâm văn hóa tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương, các điểm truyền dạy võ Bình Định cũng rất nhiều. Một điểm sáng là Võ đường Tây Sơn Phan Thọ ở TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Võ đường này do võ sư Phan Thanh Sơn, con đầu của danh sư Phan Thọ từ quê nhà Tây Sơn vào Bình Dương mở năm 2009. Sau khi ông mất vào năm 2016, võ sư trẻ Phan Thanh Khoa tiếp nối sự nghiệp của cha, tiếp tục truyền dạy võ thuật cho hơn 100 võ sinh ở đây.
Anh Khoa cho biết, tuy võ đường mở muộn nhưng giới trẻ địa phương vẫn tìm đến học ngày càng đông vì họ thích các bài bản đa dạng, đặc biệt là các kỹ thuật cận chiến vô cùng hiệu quả của võ Bình Định. Nhiều võ sư, võ sĩ của các môn phái khác, trong đó có cả võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Trần Duy Nhất, người được mệnh danh là “Độc cô cầu bại” của làng Taekwondo Việt Nam, cũng đã từng tìm đến với võ đường để trao đổi, giao lưu võ thuật.
Nhưng có lẽ, nổi bật nhất là phái Việt Nam Võ Ta Tây Sơn - Bình Định của võ sư Hà Trọng Ngự. Là truyền nhân của võ sư Hà Trọng Sơn - một gương mặt nổi tiếng của võ Bình Định được mệnh danh là “hùm xám miền Trung”, võ sư Hà Trọng Ngự đã có công đem môn võ Tây Sơn Bình Định vào phát triển ở đất phương Nam năm 1997.
Một trong các thế võ của môn phái Việt Nam Võ Ta Tây Sơn - Bình Định.
Đầu tiên, ông mở võ đường ở Đồng Nai, sau đó chuyển về TP Hồ Chí Minh. Ngoài những bài bản phổ biến của võ Bình Định vốn đã rất phong phú, võ đường của ông còn sở hữu và truyền dạy những bài quyền đặc dị của môn phái như Ba chân hổ, Hùng kê nhất túc. Các con của ông là Hà Trọng Kha Ly, Hà Trọng Kha Vy, Hà Trọng Kha Vinh đều theo nghiệp dạy võ. Môn phái Việt Nam Võ Ta Tây Sơn - Bình Định của ông đang ngày càng phát triển lớn mạnh với 5 chi nhánh ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố với hơn 200 võ sinh theo học.
Tự hào về những gì làm được suốt gần 1/4 thế kỷ qua khi đem những tuyệt kỹ của võ Bình Định “hành phương Nam”, trong lần gặp gỡ gần đây nhất với chúng tôi, võ sư Hà Trọng Ngự vẫn không tránh khỏi nỗi buồn khi nói về tình trạng lai tạp đòn thế, bài bản ngày càng phổ biến ở nhiều võ đường mang danh Bình Định. “Võ Bình Định được nhiều người, nhiều giới ở Sài Gòn theo học vì nó rất độc đáo, rất đa dạng. Nhưng gần đây, tôi rất buồn khi thấy có những võ sư trẻ không giữ được tinh túy của bài võ tiền nhân dày công nghiên cứu, thiếu rèn luyện nghiêm túc võ đức và khổ luyện võ công, lại có tâm lý “dựa hơi” vào uy danh môn võ Bình Định hơn là vốn liếng thực lực. Vậy sao coi được?”, võ sư Hà Trọng Ngự trăn trở.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VÕ BÌNH ĐỊNH Ở MIỀN NAM, CÂU CHUYỆN CÒN BỎ NGỎ...
Theo võ sư Hồ Tường và một số nhà nghiên cứu võ thuật khác nhận định, sẽ rất khó tìm một phái võ ở miền Nam xuất hiện dù lâu đời hay mới mà còn giữ nguyên vẹn hoàn toàn bài bản như võ Bình Định.
Trước kia, một phần do hoàn cảnh lịch sử chiến tranh loạn lạc, cộng với quan điểm bí truyền “truyền khẩu bất truyền văn” trong các dòng họ võ, nặng về thực hành, nên những bài bản võ trong các tài liệu, sách vở về võ thuật người xưa để lại rất ít và ngày càng mai một. Bản thân các võ sĩ, võ sư trên bước đường lưu lạc cũng học nhiều thầy của các dòng v õ khác nhau. Mặt khác, đến với vùng đất có nhiều dân tộc cùng cư trú như Kinh, Khmer, Hoa và nhiều dân tộc bản địa, nhiều lớp cư dân sinh sống, đóng góp vào sự tồn vong của đất nước, võ Bình Định tất yếu có sự biến cải, tiếp biến, sự pha trộn ở một mức độ nào đó với võ dân gian và không loại trừ ảnh hưởng, xâm nhập kỹ thuật các môn phái khác. Thế kỷ XVII - XVIII, đó là các môn võ Tàu từ các đội quan binh, các thành viên Thiên Địa Hội của phong trào “phản Thanh phục Minh” từ Trung Hoa đến miền Nam trong giai đoạn lịch sử này. Còn nay, đó là ảnh hưởng từ các môn võ hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản, võ tổng hợp MMA... Đây là một thực tế diễn ra đối với các phái võ Bình Định không chỉ ở miền Nam, mà còn trên cả nước, kể cả môn phái võ Bình Định truyền bá ra quốc tế.
Song, chỉ có những môn phái giữ được những bài bản độc đáo, những giá trị tinh túy được thử thách kiên định qua thời gian, thể hiện được những tinh hoa phù hợp với bản sắc võ Bình Định thì mới được gọi là phái võ Bình Định thực sự.
Một điều mà võ sư Hồ Tường, v õ sư Hà Trọng Ngự đều trăn trở và đề xuất, là những tinh hoa độc đáo của võ cổ truyền nói chung, võ Bình Định nói riêng, nên chăng cần được đưa vào giảng dạy trên quy mô rộng khắp ở các trường học trên toàn quốc như một môn giáo dục thể chất. Thế hệ trẻ phải được tiếp xúc có hệ thống v à lâu dài với tinh hoa võ thuật của cha ông, đó mới chính là cách bảo tồn và phát huy võ truyền thống lâu dài và căn cơ.
VŨ TÙNG