Chuyện về Tây Sơn thất hổ tướng
Nhà Tây Sơn có 7 vị tướng nổi tiếng giỏi võ nghệ, trung nghĩa được người đời sau suy tôn là Tây Sơn thất hổ tướng, gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.
Chuyện về các vị tướng này còn được ghi chép rải rác trong chính sử của triều Nguyễn và một số tác phẩm như: Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (Nguyễn Trọng Trì, 1854 - 1922), Cân Quắc anh hùng truyện, Tây Sơn danh tướng chinh nam truyện (Nguyễn Bá Huân, 1848 - 1899), Võ nhân Bình Định (Quách Tấn - Quách Giao), Danh tướng Việt Nam (tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần)…
TÌNH BẠN CỦA VÕ VĂN DŨNG VÀ TRẦN QUANG DIỆU
Năm 1771, khi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ phát động khởi nghĩa ở Tây Sơn, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân… là những người tụ nghĩa đầu tiên. Võ Văn Dũng sinh tại làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn). Biệt tài dùng đao của Võ Văn Dũng từng được Nguyễn Nhạc tán dương: Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan (Phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng là rất khó).
Nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh thành Phú Yên (tranh tại Bảo tàng Quang Trung). Ảnh: H. TRỌNG
Võ Văn Dũng theo Nguyễn Huệ vào Nam đánh đuổi quân Xiêm rồi ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược, sau đó được giao trọng trách trấn giữ Bắc Thành. Ông cũng được cử làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ triều Tây Sơn sang Trung Quốc vào năm 1789 và năm 1791.
Trần Quang Diệu quê ở huyện Hoài Ân (có tư liệu cho rằng quê của ông ở Quảng Ngãi hoặc Đà Nẵng). Ông góp mặt trong hầu hết những trận đánh quan trọng của quân Tây Sơn như chiếm phủ thành Quy Nhơn, đánh quân Xiêm La, đánh Mãn Thanh… Lúc thắng trận từ Thăng Long trở về, vua Quang Trung bổ nhiệm Trần Quang Diệu trấn thủ Nghệ An để lo việc xây dựng Phượng Hoàng Trung đô. Theo sách Đại Nam Liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn), tháng 9.1792, Quang Trung ngã bệnh, bèn triệu Trần Quang Diệu về Phú Xuân thương nghị việc dời đô về Nghệ An, phó thác triều đình.
Hoàng đế Quang Trung mất, vua Quang Toản còn nhỏ, quyền bính đều rơi vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên, công thần bị hãm hại, nội bộ lục đục. Võ Văn Dũng bị triệu từ Bắc Thành về Phú Xuân, sau đó ông loại trừ phe cánh Bùi Đắc Tuyên. Hay tin, Trần Quang Diệu từ Diên Khánh kéo binh đóng ở bờ nam sông Hương để hỏi tội. Võ Văn Dũng cũng đem quân đóng ở bờ bắc sông Hương, mượn lệnh vua để chống lại. Vua Quang Toản dẫn các đại thần ra lấy đại nghĩa khuyên can nên 2 ông thoái binh. Vua phong Võ Văn Dũng làm Đại tư đồ, Trần Quang Diệu làm Thái phó, cùng với Thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn, Đại tư mã Nguyễn Văn Danh là tứ trụ triều đình.
Năm 1799, thành Quy Nhơn bị quân nhà Nguyễn bao vây, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu kéo quân ứng cứu nhưng vào đến Quảng Ngãi thì bị chặn đánh, phải lui về giữ Quảng Nam. Gian thần sàm tấu với vua là do Trần Quang Diệu không chịu ứng cứu nên Quy Nhơn mới mất. Vua sai người mang mật thư vào Quảng Nam bảo Võ Văn Dũng bắt Trần Quang Diệu giết đi. Biết là âm mưu của gian thần, Võ Văn Dũng báo cho Trần Quang Diệu biết để kéo quân về Phú Xuân diệt trừ.
Năm 1801, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng dẫn quân chiếm lại được thành Quy Nhơn. Khi dẫn quân vào thành, Trần Quang Diệu tha cho binh sĩ của chúa Nguyễn, tổ chức chôn cất cho tướng giữ thành là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu nên được ca tụng là người nhân đức.
Theo sử sách của triều Nguyễn, vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng bị bắt, xử tử vào năm 1802. Tuy nhiên, dòng họ Võ ở thôn Phú Mỹ lại kể khác, theo đó khi bị quân Nguyễn bắt được, trên đường giải về kinh, Võ Văn Dũng trốn thoát được. Ông lẩn tránh ở vùng Tây Sơn thượng đạo (TX An Khê, Gia Lai), mưu chuyện khôi phục nhà Tây Sơn nhưng không thành sinh bệnh rồi mất năm Ất Mùi (1835).
NHỮNG VỊ TƯỚNG CÓ BIỆT TÀI
Tướng quân Võ Đình Tú sinh trong một gia đình giàu có ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Theo Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, Võ Đình Tú có đảm lược, ưa bàn chuyện binh, lại càng biết rõ chuyện ngoài biên cương. Ra trận, thường dùng côn sắt, xông vào đâu cũng không ai dám chống cự. Bùi Thị Xuân cũng vì quý tài ông mà tặng một lá cờ đào có thêu 4 chữ vàng “Thiết côn vô địch”. Ông còn có tài bắn cung thiết thai (cung nòng sắt), có sức khỏe, nhảy cao… Võ Đình Tú được Nguyễn Huệ tin yêu, hay bàn chuyện quân cơ. Có lần, Nguyễn Huệ nói với các tướng: “Đình Tú có tài văn, võ, ngày sau sẽ là bề tôi rường cột”.
Hoàng đế Quang Trung mất, vua Quang Toản phong cho Võ Đình Tú chức Binh bộ Tham tri vào coi quân ở Phú Yên và Quy Nhơn. Ông bị trúng tên rồi mất trong trận chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn tại Cần Úc (huyện Tuy Phước) năm 1799.
Tái hiện hình ảnh đoàn quân Tây Sơn ca khúc khải hoàn vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) tại Festival Tây Sơn năm 2008. Ảnh: HIỆP MỸ
Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết là người ở huyện Tuy Viễn, được võ sư Trần Kim Hùng (ở thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn) nhận làm đệ tử. Nghe tin Tây Sơn vương chiêu mộ hào kiệt, Nguyễn Văn Tuyết liền đầu quân. Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Mãn Thanh tiến vào Thăng Long, Nguyễn Văn Tuyết là người cưỡi ngựa từ Bắc Hà về Phú Xuân báo cáo tình hình. Trong chiến dịch đánh quân Thanh xâm lược vào tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), Đô đốc Tuyết dẫn quân tấn công đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương. Khi Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, vợ chồng Đô đốc Tuyết tham gia đoàn hộ giá vua Quang Toản chạy ra phía Bắc. Ông bị trúng đạn hy sinh, còn vợ ông là nữ tướng Trần Thị Lan tự sát để giữ trọn khí tiết (năm 1802).
Tướng quân Lê Văn Hưng người ở thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (nay thuộc huyện Tây Sơn), là một võ sĩ, giỏi đánh trường côn. Ban đầu, ông chỉ là lính mộ trong nghĩa quân Tây Sơn rồi thăng dần lên võ tướng. Năm 1778, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận, Diên Khánh. Nhưng khi ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chặn đánh, Lê Văn Quân kéo tàn quân chạy về Gia Định. Từ đó, quân Nguyễn rất sợ Lê Văn Hưng, gọi ông là Lê Vô Địch. Thời vua Quang Toản, Lê Văn Hưng thường hay phản đối những hành động sai trái của thái sư Bùi Đắc Tuyên nên bị vu tội có ý muốn tạo phản rồi bị chém.
Lý Văn Bưu (còn có tên khác là Mưu) chuyên nghề buôn ngựa ở làng Đại Khoan, huyện Phù Ly (nay thuộc huyện Phù Cát), có biệt tài về chọn ngựa, nuôi ngựa, lại biết võ nghệ. Khi về với nhà Tây Sơn, Lý Văn Bưu được giao trọng trách tổ chức chăn nuôi, sản xuất hậu cần và huấn luyện đoàn chiến mã. Ông theo Nguyễn Huệ trong các trận đánh với quân Xiêm và quân Mãn Thanh. Sau khi vua Quang Trung băng hà, Lý Văn Bưu xin trở về cố hương, sống với nghề nuôi ngựa.
Đô đốc Nguyễn Văn Lộc là người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn (nay là xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), nổi tiếng là người rất khỏe, giỏi võ nghệ. Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Lộc được phong làm Hữu đô đốc, cùng với Tả đô đốc Nguyễn Văn Tuyết theo Nguyễn Nhạc tiến đánh huyện lỵ Tuy Viễn, rồi tấn công thành Quy Nhơn, đánh chiếm Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận… Ông cũng theo Nguyễn Huệ tham gia các chiến dịch đánh chiếm Thuận Hóa, chiến dịch diệt quân Thanh xâm lược…
Đô đốc Lộc là người đã đánh bại viên tướng khét tiếng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh ở ngay trên đất làng Kỳ Sơn khiến Nguyễn Ánh và tùy tướng kiêng nể. Sau đó, ông có thêm trên hai chục lần đụng độ với quân Nguyễn do các tướng lĩnh cao cấp nhất là Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành chỉ huy và đều giành phần thắng.
HOÀNG TRỌNG