Gìn giữ tinh hoa võ cổ truyền Tây Sơn
Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng truyền thống,tinh hoa võ cổ truyền trên đất Tây Sơn vẫn được nhiều thế hệ gìn giữ, phát huy.
LƯU GIỮ TINH HOA
Nhắc đến võ cổ truyền Tây Sơn, ai cũng biết “roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”. Thuận Truyền là một trong 3 làng võ bên sông nức tiếng của tỉnh, với bậc thầy tuyệt kỹ “roi đánh nghịch” là cố võ sư Hồ Nhu (1891 - 1976, thường gọi là Hồ Ngạnh). Truyền nhân của đường roi danh bất hư truyền này là đại võ sư Hồ Sừng, năm nay 82 tuổi, cháu nội võ sư Hồ Nhu.
Đường roi làm nên thương hiệu dòng họ Hồ này được đại võ sư Hồ Sừng giảng giải: “Đặc điểm roi Thuận Truyền là lấy nghịch chế thuận, vận dụng triệt để phép âm dương để trả đòn, đánh hạ đối thủ. Trong thủ có công, trong công có thủ, linh hoạt ứng biến. Thủ thì kín kẽ, ngầm ẩn sự chuẩn bị phản kích bất ngờ, công thì nhanh, hiểm hóc”. Đại võ sư Hồ Sừng có 7 người con, đều theo nghiệp võ. Mỗi thành viên đều chung tay góp sức phổ biến, lan tỏa tình yêu võ cổ truyền.
Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh là nét đẹp của tinh thần thượng võ Tây Sơn trong những ngày đầu xuân. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nằm ở thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi), võ đường Phan Thọ vẫn còn gìn giữ tinh hoa của môn võ Tây Sơn do cố đại võ sư Phan Thọ (1925 - 2014) để lại. Học võ từ năm 15 tuổi, nhờ kiên trì tập luyện, đại võ sư Phan Thọ là một trong những võ sư hiếm hoi tinh thông thập bát ban binh khí, biểu diễn rất bài bản, nắm giữ tuyệt chiêu một số bài quyền, roi. Chuẩn võ sư Phan Minh Hải (30 tuổi, cháu ngoại đại võ sư Phan Thọ) cho biết thêm: “Tôi cảm thấy rất may mắn vì được đích thân ông ngoại trực tiếp truyền dạy tinh túy võ thuật từ nhỏ để gìn giữ và phát triển võ đường. Điểm đặc biệt của võ đường Phan Thọ là ông ngoại tôi học nhiều thầy trong và ngoài huyện nên đúc kết được nhiều tinh hoa của các môn võ và dạy đa dạng các môn binh khí”.
Gắn liền với võ cổ truyền, Tây Sơn còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc - nhạc võ. Theo các sử gia nghiên cứu về phong trào Tây Sơn, nhạc võ Tây Sơn được hình thành và phát triển từ phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh để cổ vũ khí thế luyện tập võ nghệ cũng như thôi thúc ý chí chiến đấu của quân sĩ khi xung trận. Nhiều năm qua, nhạc võ Tây Sơn đã được các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương trân trọng bảo tồn và phát huy.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ: Đội Nhạc võ Tây Sơn của Bảo tàng có 10 thành viên, thường xuyên tập luyện để nâng cao trình độ biểu diễn cũng như tìm kiếm, duy trì đội ngũ kế cận. Mỗi năm, Đội thực hiện hàng trăm chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Bảo tàng Quang Trung.
TẠO SỨC BẬT MỚI
Ở Thuận Truyền, hầu như mọi người đều học võ, biết võ. Sân của Võ đường Hồ Sừng được mặc định với hình ảnh võ sinh hăng say tập luyện cùng tiếng binh khí va vào nhau chan chát, sắc lẹm. “Võ đường hoạt động quanh năm, nhưng đông đúc hơn cả là những ngày hè. Thi thoảng người phương xa đến xin học, tôi đều thu nhận và chỉ dạy tận tình, với mong muốn gìn giữ và quảng bá tinh túy võ cổ truyền Tây Sơn”, võ sư Hồ Bé tâm tình.
Trong khi đó, đều đặn 1 tuần 3 buổi, các võ sinh võ đường Phan Thọ đều có mặt đúng giờ để học. Võ sinh Đào Quyết Bằng (quê tỉnh Thanh Hóa), chia sẻ: “Tôi rất đam mê võ thuật nên đã vào đây học được 2 năm. Thời gian ở đây, tôi được thầy truyền dạy nhiều bài võ độc đáo cũng như các bài học hữu ích để rèn tính, rèn khí, rèn nghĩa”.
Biểu diễn võ cổ truyền Tây Sơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Huyện Tây Sơn hiện có 28 võ đường, võ phái, môn phái, CLB đang hoạt động với hơn 1.900 võ sinh tập luyện thường xuyên. Dù là võ đường có truyền thống hay CLB mới thành lập đều có nét chung là được dẫn dắt bởi những người tâm huyết, bền bỉ, bất kể đó là chi trên hay chi dưới, nội tộc hay ngoại truyền. Đến nay, các đơn vị này đã đào tạo hàng nghìn võ sinh trong tỉnh và mọi miền đất nước. Nhiều người đã thành võ sư, huấn luyện viên, vận động viên trụ cột của tỉnh và nhiều địa phương khác.
Điểm riêng có ở Tây Sơn là dịp Tết cổ truyền hằng năm đều duy trì hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh, thể hiện nét đẹp của tinh thần thượng võ Tây Sơn trong những ngày đầu xuân. Các giải đấu đều quy tụ nhiều võ sĩ hàng đầu của các võ đường nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, nên các võ sĩ có cơ hội cọ xát, giao lưu học hỏi rất tốt. Qua đó, góp phần phát triển phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền của tỉnh nói chung và huyện Tây Sơn nói riêng.
Bên cạnh đó, thực hiện đề án Xây dựng và phát triển các lò võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh, huyện Tây Sơn có 2 võ đường là Phan Thọ và Hồ Sừng được đầu tư nhiều hạng mục, đảm bảo công tác tập luyện, lưu truyền những tinh hoa của môn phái. Võ sư cao cấp Hồ Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Võ thuật Tây Sơn, chia sẻ: “Ngoài tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chúng tôi sẽ tích cực triển khai công tác xã hội hóa và phát huy nội lực của các võ đường, nhất là công tác chuyên môn để tiếp tục duy trì, phát triển, tạo sức bật mới cho võ cổ truyền huyện nhà”.
HỒNG PHÚC