Nỗ lực giảm nghèo bền vững, thích ứng với dịch bệnh
Chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 đã nâng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân trong toàn tỉnh lên cao. Tuy việc này không gây nhiều bất ngờ nhưng đòi hỏi những giải pháp giảm nghèo hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ giảm nghèo như mong muốn từng năm và cuối giai đoạn.
Giảm nghèo trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19
Theo Sở LĐ-TB&XH, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng theo chuẩn nghèo cũ thì tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh năm 2021 còn 3,13% (giảm 0,98%); riêng các huyện nghèo còn 23,51% (giảm 5,83%) so với năm 2020. Dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn, đặc biệt là công tác xuất khẩu lao động nhưng toàn ngành đã phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kịp thời chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội và vận động toàn xã hội cùng chung tay hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Cuối năm 2021, theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 5,72% hộ nghèo, 5,54% hộ cận nghèo; riêng tại các huyện nghèo, tỷ lệ này tương ứng là 35,19% và 20,10%.
Nắm chắc nguồn cung lao động, định hướng việc làm có thu nhập ổn định, phù hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn cho người dân là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.T
Việc tỷ lệ hộ nghèo tăng (theo chuẩn mới) đang đặt ra không ít thách thức với nhiều địa phương, nhất là những địa phương đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới; trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn chưa bị đẩy lùi. Theo kết quả thăm dò sơ bộ, đa số các huyện, thị xã, thành phố xác định giảm nghèo giai đoạn tới sẽ đặt trong bối cảnh sống chung, không coi Covid-19 là đại dịch nữa. “Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được triển khai rất kỹ lưỡng, sát với thực tế. Trên cơ sở đó, những giải pháp đề xuất sẽ giải quyết căn cơ khó khăn trong thực tế có dịch Covid-19 trên địa bàn. TX An Nhơn phấn đấu từ năm 2022 trở đi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 0,5% trở lên; đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ này dưới 2%”, ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ- TB&XH TX An Nhơn, trao đổi.
Chú trọng tính bền vững, tránh tái nghèo
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, trong số 3 huyện miền núi, Vĩnh Thạnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 38,39%, tiếp đến là An Lão 36,13%, Vân Canh 30,58%. Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao do yếu tố khách quan nhưng đang đặt ra rất nhiều thách thức với các huyện miền núi, bởi bên cạnh khó khăn do Covid-19 vẫn còn tồn tại tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
Ngày 18.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 90/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Chương trình phấn đấu giảm 1 - 1,5%/năm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giảm trên 3%/năm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số; giảm từ 4 - 5%/năm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo. Phấn đấu trong giai đoạn này, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải có giải pháp giảm nghèo bền vững. “Đời sống của một bộ phận dân cư còn rất khó khăn. Nỗ lực xây dựng nông thôn mới vô tình tạo sức ép không nhỏ lên tỷ lệ giảm nghèo ở một vài địa phương. Theo đó, các giải pháp giảm nghèo cần hết sức chú trọng tính bền vững, để tránh tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo trong suốt giai đoạn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Ở góc độ của ngành LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, cần chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư ở các địa phương. Triển khai thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi cho người nghèo và cận nghèo, hỗ trợ chăm sóc y tế, giáo dục - đào tạo, cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ sinh sống vùng ngập lụt, thiên tai; hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề… Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo. Lồng ghép giảm nghèo trong các chương trình, dự án liên quan. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo. Động viên các hộ nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.
“Việc nắm nguồn cung lao động cũng phải được quan tâm và làm tốt. Năm 2021 có sự dịch chuyển lao động rất lớn nhưng thực tế một số địa phương không nắm chắc việc này nên không kịp thời đề xuất các chính sách. Nhất là ở cấp xã, phường, nắm chắc được nguồn cung lao động bao nhiêu thì mới làm tốt được công tác giải quyết việc làm bấy nhiêu”, ông Quang phân tích.
NGỌC TÚ