Nhà văn Lưu Thị Mười: Đàn bà có bao giờ là cũ...
Trót “dan díu” với văn chương, Lưu Thị Mười mang cả tâm can để nồng nàn với chữ. Chị là cây bút truyện ngắn hiếm hoi của Bình Định đã định hình rõ nét cá tính sáng tạo, khi gắn chặt những sáng tác của mình với những góc phận đàn bà.
5 năm, sau tập truyện đầu tay Trăng khóc (NXB Hội Nhà văn, 2015), cũng mạch riêng độc đáo về tình yêu, thân phận phụ nữ, nhà văn Lưu Thị Mười tiếp tục ra mắt bạn đọc tập truyện Âm ỉ tàn tro (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020). Gần đây, niềm vui đến với chị khi Âm ỉ tàn tro đã đạt giải B giải thưởng Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021.
Nhà văn Lưu Thị Mười. Ảnh: NVCC
Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở cùng nhà văn, nghe chị chia sẻ về tình yêu chữ nghĩa và duyên nợ với văn chương.
* Hầu hết các truyện ngắn của chị đều viết về thế giới đàn bà?
- Những giọt nước mắt, những nỗi đau, những giằng xé giữa cõi người luôn ám ảnh tôi. Đặc biệt tôi càng đau đáu về những đớn đau rất đàn bà từ những số phận tôi tiếp xúc, tôi biết được. Nó thúc giục tôi viết…
Đàn bà và những ẩn khuất của họ là mạch cảm xúc chưa bao giờ cạn trong tôi. Đến nỗi nhiều bạn văn, bạn đọc mỗi bận gặp thường dùng câu thoại trong một tác phẩm nào đó của tôi mà ghẹo: “Chị/ Em/ Bạn/ Lưu Thị Mười thiệt đàn bà” (cười).
* Người đọc thấy thấp thoáng có một đàn bà bản năng, nổi loạn trong văn chị?
- Thiệt ra, trong văn tôi, bản năng và sự nổi loạn ấy không phải thấp thoáng mà xuất hiện rất rõ ràng, thậm chí là khá nhiều. Bạn đọc có thể tìm thấy điều ấy trong nhiều truyện như: PG, Cũng may em chưa ngoại tình, Sóng trên sông, Những người đàn bà khóc… Và tôi, luôn viết về mạch cảm xúc ấy khá dễ dàng như bản năng vốn dĩ. Còn sự nổi loạn? Những đàn bà trong tác phẩm của tôi và bản thân tôi thuộc tuýp nổi loạn ngầm…
* Đâu là khác biệt của Âm ỉ tàn tro với Trăng khóc?
- Tôi nghĩ đó là sự chín chắn, nồng nàn, gai góc, và dĩ nhiên là… đàn bà hơn.
* Viết nhiều về đàn bà, liệu chị có sợ lặp lại chính mình?
- Có chứ! Nên tôi luôn gắng tạo một sinh thể mới cho truyện của mình, để mỗi một truyện sẽ cho người đọc một gia vị khác. Đàn bà có bao giờ là cũ? Tôi nghĩ thế! Nên, tôi chỉ sợ mình viết chưa đủ hay v ề đề tài này.
Tôi còn mắc nợ! Vì chưa viết hết được những câu chuyện về vô vàn đàn bà tôi đã gặp. Vấn đề chính của tôi là tìm cách viết mới/hay, đủ để thuyết phục chính bản thân mình và bạn đọc…
* Dạy Tiếng Anh, lại mê văn chương, học trò có từng thắc mắc về đam mê chữ nghĩa của cô giáo?
- Có lẽ không. Bọn nhỏ hiểu tôi qua cách tôi trò chuyện, qua những câu chuyện tôi kể xen giữa những bài giảng. Vậy nên, nếu đủ quan tâm sẽ không thắc mắc, không thấy lạ lẫm…
* Đã bao giờ chị chia sẻ chuyện văn chương với học trò?
- Tôi từng nhiều lần nói chuyện văn chương với các em. Hơn 20 năm đứng lớp, tôi vẫn luôn buồn vô hạn và thấy sốc khi bọn nhỏ ngày càng ít chịu đọc sách. Chia sẻ đôi chút về văn chương, về đam mê… như một cách để tôi hy vọng níu kéo và truyền cảm hứng, dù là ít ỏi cho bọn nhỏ.
* Sau Âm ỉ tàn tro, chị vẫn tiếp tục khám phá muôn vẻ góc cạnh đàn bà hay sẽ thử thách mình ở một thể dạng đề tài khác với lối đi xưa nay?
Nhà văn Lưu Thị Mười sinh năm 1978, quê ở TX An Nhơn, hiện là giáo viên Tiếng Anh ở Phù Mỹ. Chị từng đạt giải B Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ V (2011 - 2015).
- Sẽ có những chặng, tôi tạm dừng, để tự nhìn lại mình. Nhưng rồi, tôi sẽ lại chinh chiến tiếp tục trên con đường đầy thử thách này. Chữ nghĩa, như đã ngấm vào máu thịt, như nhịp đập của con tim, thì làm sao ngưng hẳn?
Mỗi tác giả có một thế mạnh đề tài riêng để khai thác. Với tôi, viết về đàn bà là sở trường. Như đã nói ở trên - Tôi còn mắc nợ… Bởi vậy, tôi đang tìm cách chia sẻ mới, hấp dẫn hơn qua các tác phẩm sắp tới. Hy vọng chữ nghĩa của tôi đủ sức thuyết phục. Vậy thôi!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, chúc chị nhiều niềm vui và sáng tạo.
VÂN PHI (Thực hiện)