Nhớ quê hương!
1. Trước năm 1975, có một chàng sinh viên văn khoa trốn lính, trôi dạt đến Quy Nhơn và tại đây, anh đã gặp và yêu một cô nữ sinh trường nữ trung học.
Tình yêu của họ đang đẹp, anh đã tạm có những ngày yên ổn, thì lại bị cảnh sát truy đuổi gắt gao, nên đành phải dứt ruột rời Quy Nhơn, rời mối tình đầu của mình, bắt đầu những ngày giang hồ lữ thứ.
Bên thềm tháp cổ. Ảnh: Phan Đình Trung
Những năm tháng ấy chiến tranh ác liệt nên cả hai người chưa dám hứa hẹn gì. Vài năm sau, bất ngờ nhận được tin người yêu đi lấy chồng theo sự xếp đặt của cha mẹ, anh tức tốc từ Sài Gòn lặn lội ra Quy Nhơn đúng ngày người yêu lên xe hoa và mang theo một… quả lựu đạn.
“Không phải để phá đám cưới mà để nhìn mặt nàng lần cuối rồi tôi tự sát. Không lấy được nàng, tôi sống làm gì nữa”, anh nhớ lại.
Sau khi lén đến đám cưới ngó mặt người yêu, anh thuê một chiếc thuyền rồi tự bơi ra biển Quy Nhơn. Đêm đó một mình anh lênh đênh trên thuyền, vật vã đau khổ, dằn vặt, oán hận chiến tranh đã chia lìa đôi lứa rồi quyết định chờ đến sáng sẽ giật chốt quả lựu đạn để tan xác giữa biển.
Nhưng khi bình minh vừa ló dạng, mặt trời đỏ ối như một cái nong khổng lồ từ từ xuất hiện trên mặt biển phẳng lặng xanh thẫm, anh bàng hoàng nhận ra thiên nhiên quá tươi đẹp, cuộc đời còn bao nhiêu việc phải làm, sao ta lại kết thúc ở đây? Và thế là anh vứt quả lựu đạn xuống biển rồi chèo thuyền vào bờ.
Từ đó, Quy Nhơn trở thành quê hương thứ hai của anh. Anh nói, nếu không có cái khoảnh khắc tuyệt vời của bình minh trên biển Quy Nhơn, thì anh đã kết thúc đời mình trong nỗi bi quan thất tình cùng cực.
Sau này, từ cái duyên nợ ấy, anh vẫn thường xuyên đi về Quy Nhơn để được đắm chìm trong bồi hồi nhớ thương và ôn lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ. Anh nói, cứ nghĩ đến Quy Nhơn là dâng trào cảm xúc. Đó chính là nỗi nhớ quê dù anh không phải là người Bình Định.
2. Nghe câu chuyện của anh, tự dưng tôi lại nhớ mấy câu thơ nhớ quê hương của những thi sĩ người Bình Định.
Đầu tiên là hai câu thơ của nhà thơ Đào Hữu Thức: “Em đừng nghĩ rằng tôi giả bộ/ Vì nhớ quê ai nhớ trật bao giờ” (Nhớ Quy Nhơn).
Đúng quá! Quê hương chỉ có một, duy nhất, nên nỗi nhớ không bao giờ đi lạc, mà luôn đúng địa chỉ. Nhớ người thì có thể nhầm lẫn từ Lan sang Cúc, từ Đào sang Huệ, chứ nhớ quê thì vĩnh viễn không sai. Nỗi nhớ quê hương chính là nỗi nhớ da diết nhất, sâu lắng nhất, thương yêu nhất.
Nhưng đó là tâm sự của một người con xa quê. Còn đây là nỗi lòng của một người đang sống giữa quê hương mà vẫn nhớ quê hương- thi sĩ Lê Ân: “Giữa quê hương nhớ quê hương/ Như con chim khách lạc vườn nhà ai” (Chim khách).
Thật lạ lùng! Cứ tưởng đi xa mới nhớ nhưng hóa ra ở gần vẫn nhớ. Vì tình yêu quê hương đã ăn vào máu thịt, cứ tích tụ dần qua năm tháng để rồi một chiều, ngẩn ngơ đứng giữa vườn nhà, trong xao xác gió, nghe mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, mà sao nhớ quá là nhớ, từ vô hình đến hữu hình, từ chung chung đến cụ thể, hễ cái gì liên quan đến quê hương là nhớ: Lũy tre, mái tranh, đồng ruộng, thời thơ ấu, dáng người… Để rồi thảng thốt nhận ra, thời gian đi quá nhanh, nhiều thứ đã thành kỷ niệm, và tình yêu quê hương thì cứ thế dày thêm.
HUỲNH THÚC GIÁP