PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Luôn trăn trở, luôn hết mình
Trước khi tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV, cái tên Nguyễn Lân Hiếu không còn xa lạ với cán bộ, nhân dân Bình Định. Dần dà, hình ảnh về một chuyên gia y tế đầu ngành, người đại biểu tận tụy, hết lòng vì dân, luôn trăn trở với những vấn đề dân sinh càng hiện rõ. Những ngày cuối năm 2021, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đã dành cho phóng viên Báo Bình Định cuộc trao đổi thân mật.
Không thể cào bằng khi đầu tư cho y tế cơ sở
● Nhìn lại thời gian chống dịch Covid-19 căng thẳng nhất, chúng ta đã thu nhận được rất nhiều bài học quý giá, đặc biệt là nhìn nhận lại hệ thống y tế cơ sở. Là người xông pha ở nhiều tâm dịch, nhiều lần giữ vai trò “thủ lĩnh” của các cơ sở điều trị Covid-19, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Chính phủ và lãnh đạo ngành Y tế đều nhiều lần nhắc đi nhắc lại một thực tế: Hệ thống y tế cơ sở của chúng ta tưởng là nhiều, là mạnh, “được cả thế giới ngưỡng mộ”, nhưng đã thể hiện rõ nhiều điểm yếu khi dịch xảy ra. Đại dịch như cơn lốc tràn qua, quét sạch cái vỏ “sơn son thếp vàng”, bộc lộ cái ruột vừa yếu về cơ sở vật chất, đặc biệt yếu về chuyên môn, con người.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu về y tế cơ sở tại hội trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Tôi đã thăm rất nhiều trạm y tế xã. Gần như 100% các trạm y tế không có máy shock điện - một phương tiện có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm công cộng tại các nước phát triển.
Các trạm y tế hầu như chỉ làm nhiệm vụ dự phòng là chính, chỉ tiêm chủng, chữa cảm cúm, khâu vết thương và phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính... Ngày thường, nhân viên khá nhàn rỗi, nhưng khi dịch xảy ra lại là nơi vất vả nhất với trăm việc đổ lên đầu.
● Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để y tế cơ sở thật sự đủ mạnh, khẳng định vị trí, vai trò của mình?
- Giờ đây, quyết định kết quả cuộc chiến với đại dịch Covid-19, “chìa khóa” không phải là các trung tâm hồi sức Covid-19 ở tuyến cuối, mà chính là hệ thống y tế cơ sở cấp huyện, xã. Các nhân viên y tế cơ sở không còn làm nhiệm vụ phát hiện, truy vết, khoanh vùng mà sẽ tham gia chẩn đoán, phân loại và điều trị sớm F0. Có như vậy, chúng ta mới yên tâm mở cửa, phục hồi kinh tế, đời sống người dân mới bình an.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trong một lần điều trị cho bệnh nhân Ấn Độ. Ảnh: NVCC
Tìm hướng đi tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho y tế tuyến huyện, xã để duy trì thành quả chống dịch là vấn đề tôi đã đề cập nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội. Cơ chế, chính sách phải thay đổi để biến trạm y tế xã thành phòng khám chịu quản lý trực tiếp cả về hành chính lẫn chuyên môn của TTYT huyện, chứ không chỉ đơn thuần làm chức năng dự phòng. Đầu tư cho trạm y tế không thể cào bằng, những nơi khó khăn, xa xôi, cách trở không thể như ở trung tâm thành phố, sát ngay các bệnh viện lớn.
Bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố con người cũng cực kỳ quan trọng mà từ lâu chúng ta chưa quan tâm đúng mức. Hơn một nửa số trạm y tế xã, phường ở TP Hồ Chí Minh chưa có trưởng trạm. Hay như huyện Phù Mỹ - nơi tôi ứng cử ĐBQH, nhiều năm qua không tuyển được bác sĩ trẻ; các bác sĩ ở các trạm hầu hết đã trên tuổi 50. Phải cải thiện mức thu nhập “ba cọc ba đồng”, tạo điều kiện cho anh em phát triển chuyên môn. Khi trạm y tế xã thành phòng khám, phát triển dịch vụ y tế hiện đại, quản lý chăm sóc được bệnh mạn tính, ứng dụng công nghệ điều trị tại nhà, có nguồn thu thì mức thu nhập mới nâng cao bền vững, nhân viên y tế mới có động lực để làm việc và đạt thành quả xứng đáng với thu nhập của mình.
Để bác sĩ tự hào về bệnh viện của mình
● Mở rộng câu chuyện về thu nhập của nhân viên y tế, có thể nói đây là điều kiện quan trọng để thu hút và giữ chân nhân lực trình độ cao. Tuy nhiên, dường như đó chưa phải là điều kiện cao nhất...
- Đúng vậy. Đa số những bác sĩ giỏi, chuyên gia đầu ngành tôi quen biết khi làm thêm ở bệnh viện tư vẫn chỉ “khoe” bệnh viện công nơi mình đang công tác. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để cho bác sĩ tự hào, để nhân viên y tế yêu bệnh viện của mình; tạo niềm tin rằng bệnh viện sẽ ngày càng đi lên, càng phát triển.
“Tôi muốn dùng kiến thức, khả năng của mình để lan tỏa sự hiểu biết, suy nghĩ mà tôi cho là đúng, hy vọng nó sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới sự phát triển của xã hội. Đó là lý do tôi ứng cử và trở thành ĐBQH, chứ không phải để trở thành ngôi sao, càng không phải vì tham vọng chính trị”.
PGS.TS.BS NGUYỄN LÂN HIẾU
14 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã tập trung cho những lĩnh vực cần đầu tư. Chúng tôi mua những cái máy đắt tiền nhất cho khoa Hồi sức cấp cứu; xác định phải giữ được bệnh nhân thì thương hiệu mới ngày càng khẳng định giá trị. Cái gì làm được thì phải làm sâu, làm thật hiệu quả. Có người tài thì phải giữ, khoa này phát triển thì sẽ kéo khoa kia lên theo.
Và, phải nói thẳng với nhau rằng, thu nhập của nhân viên y tế không thể chi trả theo kiểu “cá mè một lứa”. Một người làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều vẫn trả thu nhập như cái anh sáng cắp ô đến, chiều cắp ô về thì sao tạo được động lực, cố gắng trong công việc?
Mặt khác, ngành Y tế các địa phương phải biết “đấu tranh” với các cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo quyền lợi cho nhân viên y tế với tính chất công việc hết sức đặc thù. Một năm có 15 ngày phép, họ chỉ nghỉ 5 ngày, 10 ngày còn lại đi làm thì phải trả tiền công cao hơn ngày làm việc bình thường chứ...
● Ít nhiều cũng liên quan đến câu chuyện này, đến nay hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế vẫn còn những cách nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái chiều. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?
- Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, rất ít bệnh viện sống được bằng tiền của người dân theo kiểu cứ đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh cao lên để người bệnh chi trả. Bệnh viện của họ sống bằng 3 nguồn: Tài trợ, nghiên cứu khoa học (chủ yếu liên quan đến sản xuất các loại thuốc) và đào tạo. Song, ở nước ta cả 3 nguồn này gần như “zero”, chúng ta phải cố gắng có nguồn thu theo hướng này.
Hợp tác công - tư là một giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay, nhưng phải rõ ràng trong cơ chế, chính sách vận hành. Tôi ví dụ, ở cái quán có yếu tố “hợp tác công - tư”, với 2 cốc nước chanh, 1 do tư nhân pha, 1 do nhà nước pha, thì người bán sẽ mời khách hàng ly nào?
Nguyên lý khi hợp tác công - tư là ai mạnh cái gì thì phát triển cái đó, với đích đến cuối cùng là tạo nên “giá trị thương hiệu”. Bệnh viện của nhà nước thì yếu về quản trị công, mạnh về chuyên môn, nên phải tìm cách phối hợp, bổ khuyết với đơn vị tư nhân; cái khó là hành lang pháp lý chưa thuận lợi.
Tôi rất quan tâm đến hoạt động của BVĐK Bình Định (trước đây là BVĐK tỉnh - phần mở rộng), mô hình bệnh viện kết hợp công - tư. Nếu mô hình này không phát huy được hiệu quả thì sẽ lãng phí cả tài sản của tỉnh.
Bắt tay vì người bệnh
● Trong chương trình hành động ứng cử ĐBQH tại Bình Định của ông, nhiều người ấn tượng với lời khẳng định: “Dù có trúng cử hay không trúng cử ĐBQH, chương trình Telehealth tư vấn chữa bệnh từ xa sẽ vẫn bao phủ tất cả các địa phương cấp huyện của Bình Định. Người dân và ngay cả các nhân viên y tế sẽ luôn được sự hỗ trợ của các chuyên gia, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành”. Đến nay, lời hứa ấy đã trở thành hiện thực. Xin ông thông tin thêm về một số hoạt động cụ thể?
- Thực hiện lời hứa với cử tri và người dân Bình Định, ngày 26.11, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội và BVĐK tỉnh Bình Định đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế và làm việc về vấn đề kết nối khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu sinh năm 1972, quê ở phường Phùng Chí Kiên, TX Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là thành viên của dòng họ Nguyễn Lân nổi tiếng, là con trai của GS Nguyễn Lân Dũng, cháu nội Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, cháu ngoại cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.
Hiện tại, ông đảm nhận nhiều chức vụ: Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Phó Trưởng bộ môn Tim mạch (Trường ĐH Y Hà Nội), Phó khoa Q2 Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Pháp, ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Bình Định, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Theo nội dung ký kết, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội sẽ kết nối trực tuyến với BVĐK tỉnh Bình Định và các bệnh viện, TTYT ở Bình Định để chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ về chuyên môn. Cụ thể, thực hiện kết nối làm việc trực tuyến qua ứng dụng Telehealth tại hội trường, chẩn đoán hình ảnh, kết nối phòng mổ can thiệp và nội soi.
Thông qua các kết nối này, hồ sơ thông tin, hình ảnh về người bệnh và hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ ở Bình Định sẽ được truyền đến Bệnh viện ĐH Y Hà Nội để các bác sĩ, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai các app tư vấn cho người bệnh; sau khi khám chữa bệnh trực tiếp tại cơ sở y tế ở Bình Định, bệnh nhân có thể dùng app để nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.
Mới đây, ngày 16.12.2021, đoàn công tác Bệnh viện ĐH Y Hà Nội do tôi làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TX Hoài Nhơn và Phòng Y tế huyện Phù Mỹ với mục đích đẩy mạnh kết nối khám chữa bệnh từ xa và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở trang thiết bị đã khá đầy đủ, tôi cho rằng, các cơ sở y tế cần đẩy nhanh kết nối vào mô hình khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, vừa hội chẩn ca lâm sàng, vừa để hỗ trợ chống dịch trực tuyến, nâng cao chất lượng y bác sĩ, tạo được sự tin tưởng cho người dân.
Tôi tin rằng, hoạt động hợp tác sẽ góp phần cho uy tín của tất cả chúng ta đều được nâng lên. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất người bệnh.
● Khám, chữa bệnh từ xa là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích thiết thực, nhất là trong giai đoạn chống dịch Covid-19 hiện nay. Song, vẫn còn không ít lý do khiến các cơ sở y tế ngần ngại, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin...
- Tôi hiểu vấn đề này. Công nghệ hiện nay rất rẻ, cả hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho kết nối khám, chữa bệnh từ xa ở TTYT cấp huyện chưa tới 50 triệu đồng.
Nguồn đầu tư ở đâu? Bên cạnh trông chờ nguồn từ trên cấp, chúng ta cũng nên tính đến các khoản tiết kiệm được sau khi ứng dụng công nghệ thông tin. Như Bệnh viện ĐH Y Hà Nội của tôi, từ đầu năm 2020 đã không sử dụng phim, khoản tiết kiệm được rất lớn. Kết quả nội soi, xét nghiệm cũng không in nữa, tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn, vật tư.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin còn giúp chúng ta lành mạnh hóa hệ thống quản lý, đặc biệt liên quan đến vấn đề đấu thầu vốn nóng bỏng trong thời gian gần đây.
● Và, công nghệ thông tin ắt hẳn là công cụ đắc lực cho nhà quản lý, nhất là những người “trăm công nghìn việc” như ông. Vừa quản lý bệnh viện, trực tiếp tham gia đào tạo, vừa chăm lo chuyên môn, tất bật chống dịch, chủ công trong những hoạt động thiện nguyện, viết báo (năm 2021, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã xuất bản tập sách “Câu chuyện từ trái tim”)... Giữa kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, có mấy ngày trống đã thấy ông tất bật ở trời Âu...
- (Cười vui vẻ) Chắc chắn rồi, nếu không có công nghệ hiện đại hỗ trợ, sao tôi có thể hoàn thành cùng lúc từng ấy công việc. Bật mí chút nhé, trong đợt tiếp xúc cử tri tại Bình Định sau kỳ họp thứ 2 vừa rồi, tôi vẫn tham gia 4 cuộc họp, chấm 1 luận văn thạc sĩ và 1 luận án tiến sĩ, tất cả chỉ thực hiện trên chiếc smart phone mà thôi!
● Xin cảm ơn ông về cuộc chuyện trò rất thú vị này. Mong ông luôn tràn đầy năng lượng giữa bộn bề công việc, mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho cộng đồng!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)