Nơi vun đầy hạnh phúc
Có một nơi đã biến những điều không thể thành có thể, mang đến niềm hạnh phúc thiêng liêng được làm cha, làm mẹ cho những cặp đôi hiếm muộn. Đó là Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh.
Hạnh phúc ngọt ngào
Ngày 19.12.2019, tại BVĐK tỉnh, em bé đầu tiên được sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của sản phụ cùng ê kip các bác sĩ BVĐK tỉnh và Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Bé trai vừa ra đời nặng 4,8 kg, kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Chị L.T.N.T. và anh P.V.T. (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cưới nhau đã 3 năm, đi thăm khám và điều trị nhiều nơi vẫn thất bại. Khi nghe tin Bệnh viện Từ Dũ sắp chuyển giao kỹ thuật TTTON cho BVĐK tỉnh, vợ chồng chị đến đăng ký. Qua thăm khám, chị bị rối loạn phóng noãn nên kinh nguyệt không đều, còn chồng có số lượng tinh trùng yếu ở mức độ nhẹ. Tháng 3.2019, phép màu xuất hiện khi chị T. mang thai thành công ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên. Sau hơn 9 tháng mang thai với nhiều nỗi lo lắng, phập phồng và phải nhập viện vài lần do động thai và dọa sinh non, cuối cùng vợ chồng chị T. đã chạm tới niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.
Niềm vui vỡ òa của ê kip bác sĩ khi đón em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời. Ảnh: BVĐK tỉnh
Vợ chồng anh H.Đ. và chị Đ.T.H.Y. (huyện Phù Mỹ) cũng đã 12 năm mà vẫn chưa có con sau nhiều lần ra Bắc vào Nam chữa trị. Trong lần tìm vận may tại BVĐK tỉnh, hạnh phúc đã mỉm cười với anh chị. Đầu năm 2021, chị Y. vượt cạn thành công, hạ sinh bé gái nặng 3,1 kg. Cả anh Đ. và chị Y. đều không thể kìm nén được những giọt nước mắt hạnh phúc khi bế trên tay cô công chúa bé bỏng mà bao năm hằng mơ ước.
Tôi đến thăm anh chị trong một ngày đầu đông, ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Cũng như bao đứa trẻ trạc 1 tuổi, bé H.Y.N. có thể vịn vào các vật dụng xung quanh để đứng, cố gắng tập đi, miệng bi bô “baba” rất dễ thương. Chị Y. khoe: “Bé phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần, giống như mọi trẻ mang thai tự nhiên khác. Chúng tôi rất biết ơn các bác sĩ BVĐK tỉnh đã cho chúng tôi có cơ hội được làm cha, làm mẹ”.
Làm chủ công nghệ
Năm 2018, BVĐK tỉnh ký hợp đồng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật TTTON từ Bệnh viện Từ Dũ. Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện đầu ngành về hiếm muộn và thụ tinh nhân tạo này, từ tháng 12.2018 đến tháng 7.2021, Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản đã hoàn tất điều trị cho 40 cặp vợ chồng có chỉ định TTTON. Đến nay, đã có 17 trong tổng số 40 cặp vợ chồng điều trị đã mang thai, tỷ lệ thành công là 42,5%. Đây là con số thật sự ấn tượng đối với một đơn nguyên còn non trẻ. Trong 17 cặp mang thai, hiện đã có 14 em bé chào đời khỏe mạnh.
Ngày 7.2.2021, Bộ Y tế ra quyết định công nhận BVĐK tỉnh được độc lập thực hiện kỹ thuật TTTON mà không cần có sự hỗ trợ từ tuyến trung ương.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, Phó trưởng khoa Phụ sản, phụ trách Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh) chia sẻ: “Kỹ thuật TTTON là lựa chọn hàng đầu hiện nay để điều trị vô sinh. Nó giải quyết hầu hết những trường hợp mà các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Trong kỹ thuật TTTON bệnh viện đang triển khai, hầu hết các phôi thụ tinh đều được trữ đông trước khi đưa vào cơ thể sản phụ (thay vì chuyển phôi tươi), giúp giảm chi phí và tránh được tình trạng đa thai. Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng kỹ thuật phôi thoát màng, giúp tăng khả năng có thai. Điều đó đã đem lại niềm vui cho những cặp vợ chồng vô sinh trước đây tưởng chừng không còn hy vọng”.
Hiện, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại Đơn nguyên đảm bảo thỏa mãn những tiêu chí cao nhất trong y khoa. Đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, chuyên viên phôi học của Đơn nguyên có thể độc lập thực hiện hầu hết các quy trình kỹ thuật của TTTON.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Tỷ lệ vô sinh ở Bình Định vào khoảng 7,7%. Với dân số hơn 1,5 triệu người, nhu cầu điều trị vô sinh khá cao. Thời gian qua, hơn 100 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã đăng ký tại Đơn nguyên, trong đó đa số là người Bình Định, còn lại đến từ các tỉnh lân cận. Việc triển khai kỹ thuật TTTON tại BVĐK tỉnh đã mở ra hy vọng mới cho người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần giảm chi phí điều trị, thời gian đi lại, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp cũng như giảm áp lực, căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân. Đồng thời, đây cũng là bước tiến mới, khẳng định vị thế của BVĐK tỉnh. “Sắp tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục cử bác sĩ đi học nâng cao thêm một số kỹ thuật mới để tăng tỷ lệ thành công kỹ thuật TTTON”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
“Đây là những thành tựu ban đầu. Nếu sau này hoàn tất quy trình xin phép thẩm định, BVĐK tỉnh sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ sinh sản cho khu vực Duyên hải miền Trung. Điều đó mở ra cơ hội mới cho tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh không chỉ ở Bình Định mà còn ở tại Phú Yên, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên”.
Bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ
“Các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có thể yên tâm đến Đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, BVĐK tỉnh để được khám, tư vấn và điều trị về các bệnh lý vô sinh hiếm muộn mà mình đang gặp phải, khỏi phải đi vào những trung tâm TTTON xa xôi như ở TP Hồ Chí Minh hoặc Huế, Hà Nội để điều trị, vốn rất tốn kém và mất nhiều thời gian chờ đợi”.
Bác sĩ CKII Hồ Việt Mỹ, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh
“Sở KH&CN sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thiết bị cần thiết để nâng cao hơn nữa chất lượng em bé được sinh ra từ kỹ thuật TTTON. Sở cũng sẽ tăng cường truyền thông công nghệ mới này đến với người dân; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành xây dựng chính sách giá phù hợp”.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN
HỒNG HÀ