Bạn còn trẻ, hãy dám đương đầu thử thách...
Chính những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực đã trang bị cho Nguyễn Tiểu My nghị lực mạnh mẽ để luôn hướng về phía trước. Cô gái quê Hoài Ân hiện là quản lý kinh doanh một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chiến lược, tư vấn kỹ thuật số, công nghệ.
Ở đội 7, thôn Phú Văn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, không ít gia đình coi Nguyễn Tiểu My là tấm gương vươn lên trong cuộc sống. Thời gian sống tại quê hương không nhiều, nhưng hành trình vượt qua nhiều trắc trở để đạt đến thành công như hôm nay của cô gái sinh năm 1994 khiến nhiều người nể phục.
Gập ghềnh đường đến trường
Khi mới 3 tuổi, cha mẹ My chia tay, cô cùng cậu em trai 2 tuổi theo mẹ vào Bình Thuận sinh sống. Cuộc sống bấp bênh, lúc My học lớp 5, ba mẹ con lại dắt díu nhau vào Đồng Nai. Trong suốt 5 năm ở Đồng Nai, mẹ con My chuyển trọ hàng chục lần, mẹ cô phải bươn chải rất nhiều nghề để nuôi 2 con ăn học.
Ngoài thời gian dành cho công việc, Tiểu My còn dạy trực tuyến Tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở quê và thỏa mãn sở thích khám phá những vùng đất mới. Ảnh: NVCC
“Mẹ bán thịt, cá ở chợ, rồi bán trái cây ở vỉa hè, bán ăn sáng, làm công nhân, giúp việc nhà… Thời gian đó em đã bắt đầu phụ giúp mẹ, có những hôm sau giờ học, 2 mẹ con bán trái cây ở vỉa hè, mỗi người ngồi một góc đường, bán đến khuya khi nào hết thì 2 mẹ con đẩy xe về”, Tiểu My kể. Khi mẹ bán quán ăn sáng, My được giao nhiệm vụ đi chợ mua nguyên liệu hoặc đi chở củi, phụ mẹ sơ chế, rửa tô. Hình ảnh cô bé nhỏ xíu như… “thằn lằn đu xe đạp” hằng ngày phụ mẹ khiến không ít thực khách vừa buồn cười vừa thương. Cô còn theo mẹ phụ giúp việc nhà để có tiền trang trải cuộc sống.
Học xong lớp 10, chi phí ăn ở và học hành ngày càng lớn, mẹ quyết định gửi hai chị em về lại Hoài Ân sống với bà ngoại, một mình ở lại Đồng Nai làm công nhân. Hai năm cuối cấp THPT, hằng ngày Tiểu My vẫn miệt mài đến trường, dẫu phải đạp xe cả chục cây số. Cô hồn nhiên kể: “Lúc em về chưa quen chạy xe đạp đường dốc, đá sỏi nên “đo đường” rách quần rách áo hoài, có mấy lần rớt luôn xuống ruộng, cực nhưng giờ nghĩ lại thấy rất vui”.
Không được bỏ học!
Đến cuối năm lớp 12, mẹ quyết định về quê hẳn với 2 chị em My và bà ngoại. Nhưng chỉ một thời gian sau mẹ đau nặng, My phải đưa đi chữa trị khắp nơi. Tự biết gia đình không đủ khả năng để lo cho mình học các trường tại TP Hồ Chí Minh, My chọn thi vào Trường ĐH Nha Trang. Thực tế, cô cũng chỉ muốn thi để biết cảm giác thế nào, chứ không hy vọng đậu và cũng nghĩ sẽ không thể đi học trong hoàn cảnh như vậy. Thậm chí, bà ngoại đã “định hướng” cho My phương án… “nghỉ ở nhà ngoại luộc trứng vịt lộn cho bưng lên đầu xóm ngồi bán”. My kể: “Mẹ luôn dặn em dù có thế nào cũng không được bỏ học, nên khi nhận giấy báo đậu đại học, em nửa vui nửa lo. Rồi em quyết định xin trường cho bảo lưu kết quả để về chăm mẹ, nhưng chỉ sau đó vài hôm mẹ qua đời”.
Chương trình đại học chuyên ngành ngoại ngữ đều học bằng tiếng Anh, giai đoạn đầu Tiểu My hầu như không tiếp thu được gì, và cô đã định chuyển ngành. Nhưng với số tiền chỉ đủ sống đến hết học kỳ đầu, My chỉ có lựa chọn duy nhất là tiếp tục cố gắng theo học. Tập trung “học điên cuồng”, đến cuối kỳ cô được nhận học bổng về thành tích đứng trong top 3 của lớp.
Hết học kỳ I, My bắt đầu đi làm thêm, từ bán hàng, phục vụ quán ăn, gia sư, đến công nhân thời vụ. Tiểu My tâm sự: “Nhờ khoảng thời gian đó mà sau này em dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh. Do vậy, các bạn sinh viên dù có điều kiện tốt vẫn nên đi làm thêm để có nhiều kinh nghiệm hơn, ít nhất là khi phỏng vấn xin việc. Bên cạnh đó, mình cũng dạn dĩ, năng động hơn và có nhiều mối quan hệ tốt sau khi ra trường”.
Cảm ơn cuộc đời!
Tốt nghiệp đại học, sau khi trải qua một vài công việc tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), năm 2017, Nguyễn Tiểu My được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Accenture PLC chi nhánh ở Kuala Lumpur (Malaysia). Đây là công ty tư vấn quản lý chuyên cung cấp dịch vụ chiến lược, tư vấn kỹ thuật số, công nghệ. Trong năm 2020, công ty báo cáo doanh thu 44,33 tỷ USD, với hơn 569 nghìn nhân viên phục vụ khách hàng ở 120 quốc gia. Chỉ sau 3 năm, cô được bổ nhiệm vào vị trí quản lý kinh doanh, quản lý và làm việc với các đối tác ở thị trường Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là các nhà phát triển, phát hành tại Việt Nam.
Theo Tiểu My, việc học trường nào không quan trọng, bởi ở đâu cũng sẽ có những người bạn, người thầy giỏi dạy mình nhiều điều, quan trọng là bản thân mình có chịu học hỏi hay không. Đối với một số ngành như Ngoại ngữ, năng lực thực sự mới là thứ cốt lõi quan trọng, chứ không phải tên ngôi trường mình học.
Luôn biết ơn sâu sắc từng sự giúp đỡ của hội khuyến học xã và bà con ở quê, hiện giờ Tiểu My vẫn hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn thực sự muốn đi học. Trong 2 năm qua, sau giờ làm việc, cô tranh thủ dạy trực tuyến Tiếng Anh miễn phí cho gần 40 bạn nhỏ ở thôn Phú Văn. Trong đó, My chú trọng giúp các em phát âm chuẩn từ đầu để thuận lợi hơn trong những môi trường mới.
My chia sẻ: “Em chưa bao giờ cảm thấy bản thân mình bị thua thiệt hay khổ sở gì cả. Ngược lại, em biết ơn hoàn cảnh đã cho mình nhiều thử thách, nhờ vậy mình mới khai thác hết khả năng, hiểu được giới hạn bản thân. Nếu không gặp những thử thách như vậy, thì chắc em sẽ không nỗ lực đẩy mình lên nhiều được như suốt quãng thời gian qua”.
Hài lòng với công việc hiện tại, nhưng Tiểu My cũng ấp ủ xây dựng cho mình một cơ sở riêng để sau vài năm nữa sẽ quay về Việt Nam với mong muốn “tự mình làm chủ vẫn thích hơn”.
LÊ NA