Võ cổ truyền Bình Định hành trình một di sản
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đất và người Bình Định, hòa vào dòng chảy dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, võ cổ truyền đã phát triển, lan tỏa rộng khắp và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bình Định…
Chung tay gìn giữ
Từng tham dự các kỳ liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam và dành nhiều thời gian nghiên cứu về võ cổ truyền Bình Định, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận: Dường như trong sự đa dạng có phần chưa thực chuẩn tắc thì địa danh “Bình Định” luôn được nhắc tới như một không gian đặc thù tạo nên một nền võ thuật đặc sắc khó trộn lẫn. Nhìn lên bản đồ, vùng Bình Định lùi sâu vào Nam Trung Bộ, càng xa phương Bắc càng thuần Việt hơn và chắc hẳn có những tố chất của đế quốc Phù Nam rồi một văn minh Chămpa quá vãng, lại có khả năng lên núi với Tây Nguyên thượng đạo và ra biển với cửa Thị Nại hướng vào đất liền theo dòng sông Côn, lại có cả những lưu dân từ phương Bắc đến cư ngụ thành những Minh hương thời các chúa Nguyễn và thông đường xuống phương Nam để tới lưu vực con sông Cửu Long màu mỡ.
Truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được các thế hệ võ sinh võ cổ truyền trân trọng giữ gìn.
- Trong ảnh: HLV, VĐV Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định dâng hương trong lễ giỗ tổ võ. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Những lưu dân Việt từ các xứ Thanh, Nghệ rồi Quảng với những phẩm chất như sách xưa từng viết “gan dạ, can trường, sĩ khí hiên ngang” đến mảnh đất Bình Định lại gặp trúng thời Tây Sơn dấy nghĩa. Tất cả đã tạo cho võ Bình Định đậm chất riêng biệt mà cốt lõi là một võ Việt chung đúc nhiều tinh hoa không riêng của phương Bắc.
Thật vậy, võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học của dân tộc. Người học võ cổ truyền Bình Định hướng đến việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần. Không những vậy, thông qua việc tập luyện võ nghệ còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống thượng võ, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, kính tổ trọng thầy.
Những ý nghĩa sâu sắc đó được nối tiếp bởi những võ sư nhiều tâm huyết, hết lòng truyền dạy cho thế hệ sau để giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của cha ông. Trên mảnh đất Bình Định có rất nhiều làng võ, dòng võ, cùng những võ sư mang trong mình những sở trường riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho kho tàng võ học. “Không ai làm giàu bằng nghề võ” - đó là câu nói được lưu truyền từ nhiều đời, nhưng cũng ít ai giàu tình nghĩa như những võ sư chân chính. Bởi không chỉ truyền dạy những đòn thế, bí quyết của môn phái, các võ sư còn tận tâm uốn nắn, rèn giũa cho học trò đạo làm người.
Đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động võ thuật. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Điều quý giá nhất của võ cổ truyền Bình Định trong suốt quá trình lịch sử của vùng đất này có lẽ là sở hữu nhiều thế hệ võ sư tâm huyết. Họ luôn coi việc truyền lại cho thế hệ kế cận là nhiệm vụ cần phải thực hiện. Nhờ đó, dù trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, nhiều bài võ bí truyền vẫn được lưu giữ vẹn nguyên bằng những con người rất đỗi bình thường.
Đã ở tuổi bát tuần, Đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động võ thuật. Ông tâm sự: “Võ cổ truyền Bình Định chứa đựng rất nhiều tinh hoa của dân tộc, vì vậy, cần phổ biến rộng rãi để các thế hệ lưu giữ, phát huy”.
Tăng cường quảng bá, phát huy di sản
Nhận thấy việc bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định là yêu cầu cấp thiết để gìn giữ nét văn hóa quý báu của dân tộc, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt với di sản này.
Trong đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định năm 2013 là một trong những bước đi hết sức quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, võ sư, HLV… xây dựng võ cổ truyền phát triển toàn diện, sinh động hơn trong bối cảnh mới của xã hội. Đồng thời, kịp thời đề xuất những ý tưởng thiết thực để tỉnh xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các võ đường, võ sư, võ sinh; từng bước đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích và tạo điều kiện cho các võ đường phát triển.
Để giữ gìn và phát huy những giá trị của võ cổ truyền Bình Định, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ võ sư, HLV được chú trọng để truyền dạy cho thế hệ kế cận. Nhờ đó, số lượng võ sư, HLV trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh có 2 đại võ sư quốc tế, 27 đại võ sư, 19 võ sư cao cấp, 101 võ sư, 48 chuẩn võ sư và 500 trợ giáo các cấp. Số lượng các võ đường, CLB, võ sinh cũng ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 185 võ đường, CLB với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Hằng năm, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều giải đấu, võ đài liên tỉnh thu hút đông đảo các võ đường, CLB tham gia. Võ cổ truyền đã trở thành hoạt động không thể thiếu, mang đậm nét truyền thống văn hóa và góp phần làm trang trọng các ngày lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh.
Việc đưa võ cổ truyền vào trường học trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện từ năm 2016. Các trường học đều đưa võ cổ truyền Bình Định vào giảng dạy cho học sinh trong chương trình ngoại khóa. Các trường đại học, cao đẳng đều có CLB võ cổ truyền, thu hút đông đảo sinh viên tham gia tập luyện thường xuyên. Cùng với đó, việc đưa võ cổ truyền vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện trong học sinh. Đối với thể thao thành tích cao, từ nhiều năm qua, võ cổ truyền đã trở thành môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Tại các giải đấu quốc gia, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đạt thành tích nằm trong tốp đầu.
Đối luyện. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Công tác quảng bá võ cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, chương trình "Đêm Võ đài Bình Định" được tổ chức vào các dịp lễ, mùa du lịch tại TP Quy Nhơn, trở thành nơi giao lưu, cọ xát của các võ đường trong và ngoài tỉnh; đồng thời là sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thu hút đông đảo khách đến tham quan miền đất Võ. Giải võ cổ truyền các võ đường, CLB - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung được tổ chức hằng năm là cơ hội để các CLB, võ đường đưa những võ sĩ xuất sắc tham gia thi đấu, giới thiệu những nét đặc trưng của môn phái đến với đông đảo công chúng. Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần từ năm 2006 đã thu hút đông đảo lực lượng võ sư, võ sinh đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, qua đó đã góp phần quảng bá rộng rãi võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè quốc tế.
Phó Giám đốc Sở VH&TT, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định, đại võ sư Bùi Trung Hiếu chia sẻ: Võ cổ truyền Bình Định là nét văn hóa mang đặc trưng riêng của Bình Định. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức giữ gìn và phát huy để nâng tầm giá trị di sản. Với việc võ cổ truyền Bình Định đang được triển khai lập hồ sơ di sản đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, chúng ta còn phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để bảo tồn và giới thiệu “đặc sản” này đến với bạn bè quốc tế.
LÊ CƯỜNG