Chúng tôi gần như không biết ngày đêm...
2 năm chống dịch Covid-19, hàng nghìn nhân viên y tế chưa một ngày ngưng nghỉ. “Chúng tôi gần như không biết ngày đêm là gì!”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng trải lòng.
Suốt 2 năm qua, đặc biệt khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch Covid-19 và lây lan, điều gì đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thưa ông?
- Ngày 29.6.2021, ca Covid-19 xuất hiện đầu tiên tại Hoài Nhơn. Hơn một tháng triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi này đã giúp đúc kết rất nhiều bài học từ chỉ đạo, điều hành, huy động lực lượng, truyền thông, truy vết, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa đến an sinh, ổn định cuộc sống người dân và phát triển KT-XH.
Đội dịch tễ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và TTYT TX Hoài Nhơn lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 xuyên đêm tại ổ dịch Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn). Ảnh: L.X.PHƯỚC
Dịch lan rộng Hoài Ân, Phù Cát, An Nhơn, Quy Nhơn…, len lỏi vào DN. Mục tiêu là “zero Covid”, hoạt động phòng chống dịch được triển khai rất quyết liệt. Trong bối cảnh tiếp cận vắc xin còn rất hạn chế, thuốc điều trị chưa có thì biện pháp chống dịch tốt nhất vẫn là giãn cách xã hội, xét nghiệm tầm soát, cách ly y tế F0, F1, F2, phong tỏa ổ dịch triệt để. Không biết bao nhiêu công sức, tiền của đã bỏ ra để đảm bảo an toàn phòng dịch!
Đến ngày 15.10.2021, bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt tạo “luồng gió mới” cho đời sống người dân, hoạt động KT-XH, nhưng cũng tăng ca bệnh gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, áp lực đè nặng lên nhân viên y tế khi phải điều trị ca bệnh tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị mở rộng, tại nhà. Sự chủ động thích ứng tình hình mới được thể hiện rõ khi tốc độ tiêm vắc xin được đẩy mạnh, thực hiện cách ly F1 và quản lý F0 tại nhà, tăng cường năng lực điều trị ca bệnh nặng…, nhờ đó dịch được kiểm soát tốt, ca bệnh tăng nhưng tử vong giảm rõ (0,2%) thấp hơn nhiều cả nước (2%).
Trạm y tế lưu động phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cấp thuốc, thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Ảnh: T. KHUY
Trong suốt hành trình đó, ngành Y tế nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của sở, ngành, địa phương, đặc biệt lực lượng CA, quân đội đồng hành trên mọi nẻo đường; sự hỗ trợ sức người, sức của hết sức to lớn của người dân và DN.
Căng mình, không biết ngày đêm là gì!
Ông từng chia sẻ đợt dịch này là thách thức chưa từng có với ngành Y tế…?
- Hơn 5.000 cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở đều được huy động chống dịch với khối lượng công việc lớn không thể tả.
Những ngày đầu có ca F0, mục tiêu tối thượng là phải giảm được ca mắc, ca bệnh nặng và tử vong. Một yếu tố không nhỏ quyết định khống chế thành công số ca mắc và tử vong ở mức thấp là truy vết thần tốc, tăng tốc xét nghiệm, khoanh vùng phong tỏa, thiết lập cơ sở cách ly và tập trung điều trị. Có những thời điểm, chỉ 1 F0 đã phải xét nghiệm sàng lọc hàng nghìn người để truy vết, bóc tách F0.
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần quyết tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: BV
Tháng 8.2021, xuất hiện ổ dịch ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát), để lại cho ngành Y tế chúng tôi rất nhiều suy nghĩ. Thay vì phong tỏa rộng, chúng tôi chia các ổ dịch theo quy mô nhỏ nhất, đến thôn/khu vực, xóm/tổ - chính điều này giúp nhìn rõ hơn về ổ dịch, từ đó đưa ra biện pháp phong tỏa, cách ly, xét nghiệm phù hợp. Chiến lược này được phổ biến áp dụng toàn tỉnh và phù hợp với chỉ đạo chiến lược của Trung ương, Bộ Y tế.
Chiến dịch tiêm chủng cũng vậy, hàng nghìn nhân viên y tế, tình nguyện viên được huy động triển khai toàn tỉnh. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải tiếp tục truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị nhằm dập bằng được các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, nhưng ngành Y tế vẫn cử các đội y tế hỗ trợ chống dịch tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Cho đến giai đoạn thích ứng an toàn, tỉnh ta triển khai điều trị F0, quản lý cách ly F1 tại nhà; trong điều trị giảm tối đa biến chứng nặng, hạn chế thấp nhất tử vong. Chúng tôi mở rộng cơ sở điều trị từ 1.200 lên 3.000 giường, 54 trạm y tế lưu động ra đời quản lý, điều trị tại nhà hàng nghìn F0…
Một khối lượng công việc cực kỳ lớn, căng mình, gần như không biết ngày đêm. Đã có những nhân viên y tế gần như mấy tháng trời không về nhà. Không ít người trở thành F0 vẫn làm việc… Những câu chuyện như thế không thể nào kể hết được!
Sẽ khó thành công nếu không có người dân
Đứng đầu ngành Y tế - cơ quan tham mưu cho tỉnh, vậy những lo ngại, cân nhắc nào được đưa ra trong mỗi quyết định, thưa ông?
- Công tác ứng phó dịch Covid-19 được Ban chỉ đạo tỉnh chuẩn bị kịch bản rất chủ động và công phu, nhưng Covid-19 là chưa từng có tiền lệ, hoạt động phòng, chống dịch vừa phải làm vừa phải dựa vào thực tiễn để phân tích, đánh giá, quyết định phù hợp từng giai đoạn.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng kiểm tra túi thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trạm y tế lưu động khu phố 5 (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Ảnh: N.HÂN
Từ chiến lược “zero Covid-19” cho đến “sống chung với Covid-19”, chúng tôi phải nêu những biện pháp mà khi áp dụng phải có hiệu quả. Những quyết định áp dụng giãn cách xã hội; chuyển đổi mô hình tháp điều trị 3 tầng sang điều trị F0 tại nhà… cực kỳ khó khăn vì “sai một ly đi một dặm”.
Càng “mở cửa” số ca bệnh ngày càng tăng, vậy chúng ta đã có kế hoạch ứng phó ra sao?
- Covid-19 hiện có xu hướng lây lan theo kiểu cúm mùa - lây nhanh, âm thầm, không có triệu chứng. Hy vọng lớn nhất của chúng tôi đó là ca bệnh mắc nhiều, nhưng số ca bệnh nặng và tử vong thấp.
Hiện nay tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch. Tỉnh ta đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, kết thúc năm 2021 tỷ lệ được tiêm ít nhất 1 liều đã bao phủ 98% và gần 85% tiêm đủ 2 mũi; đầu năm 2022 chúng ta triển khai tiêm mũi 3; đẩy mạnh tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, đến đầu tháng 1.2022 đã đạt 65% trẻ được tiêm mũi 1; rà soát để tiêm đạt tỷ lệ tối đa cho người 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, cho con bú, người khuyết tật. Việc điều trị các ca bệnh ở mức độ vừa và nặng là rất quan trọng nhằm giảm tối đa tử vong khi mắc bệnh.
Tôi cũng nhấn mạnh, có thành quả chống dịch như hiện nay đều nhờ tổng hòa công sức của rất nhiều người, nhiều ngành. Ngành Y tế đã nỗ lực, nhưng nếu người dân không hỗ trợ bằng cách thực hiện tốt phòng, chống dịch thì cuộc chiến này sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, ý thức và thực hành phòng, chống dịch của người dân cực kỳ quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)