Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em dịp Tết: Không nên lơ là
Thời tiết, khí hậu dịp Tết có lúc nắng nóng pha lẫn với giá lạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Mùa này, vì sức đề kháng còn yếu nên trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, sốt xuất huyết... Hơn nữa, dịp này, cơ hội tập trung đông người nhiều, trẻ còn có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, dịp Tết là lúc thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, cũng là lúc trẻ em dễ bị mắc bệnh; chủ yếu là các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm mũi họng cấp, đặc biệt là viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2; bệnh đường tiêu hóa chủ yếu là bệnh tiêu chảy cấp mà nguyên nhân thường gặp là do vi rút Rota. Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết Dengue cũng hay gặp trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa.
Mùa đông xuân trẻ hay mắc các bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ảnh: ĐỖ THẢO
Chị Thái Thị Thanh Tuyền, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước đưa con đến khám tại BVĐK tỉnh, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, mùa này, đặc biệt trong dịp Tết, cháu nhà tôi hay bị ho, khó thở, nóng sốt. Dường như Tết năm nào cháu cũng phải uống thuốc hoặc đi khám bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: Trẻ em hay mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa từ mùa đông sang mùa xuân là do môi trường không khí ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển như vi rút hợp bào hô hấp, vi rút cúm, Adenovirus… gây bệnh viêm phổi, vi rút Rota gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nguyên nhân viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 là do bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, trong khi trẻ em chưa được tiêm chủng. Đồng thời mùa xuân cũng là điều kiện tốt tạo nhiều phấn hoa, nấm mốc, khi trẻ hít phải chúng có thể gây khởi phát cơn hen. Đặc biệt, dịp lễ Tết ta hay đi thăm hỏi, vui chơi tập trung đông người nên nếu người lớn mắc Covid-19 thì trẻ cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Để phòng, tránh các bệnh mùa đông xuân, đặc biệt là trong dịp Tết cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo trẻ được bú mẹ sớm, ăn dặm đúng cách, tránh suy dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ. Trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tránh ẩm thấp, tránh tối đa nguồn lây… Cần mặc ấm và dùng khẩu trang che mũi, miệng cho trẻ, nhất là khi đưa trẻ đi ra khỏi nhà. Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: Tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Cần phơi nắng chăn, gối, đệm và đảm bảo nhà cửa thông thoáng.
Để phòng bệnh tiêu chảy tốt thì khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức quan trọng. Phải biết phòng bệnh từ bản thân mình cũng như cho mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mọi người nên ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thức ăn và uống các loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh, không dùng thức ăn ôi thiu. Trẻ em và người chăm trẻ cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Người nhà lưu ý việc cho trẻ uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do vi rút Rota. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt 5K. Thực hiện tốt vấn đề 5K không chỉ phòng được dịch bệnh Covid-19 mà còn các bệnh về đường hô hấp khác.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế cũng chuẩn bị phương án, nhân lực để chăm sóc sức khỏe nhân dân dịp Tết, trong đó có việc điều trị các bệnh mùa đông xuân.
ĐỖ THẢO