Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4.2022; đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được đánh giá góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống, giảm sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Với mục đích từng bước cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4.2022.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của Chiến lược được triển khai hiệu quả, khả thi, có tính liên ngành, liên vùng, tuy nhiên, tiến độ về mặt thời gian xây dựng Kế hoạch hành động cũng vô cùng sát sao.
Để triển khai xây dựng Kế hoạch theo đúng tiến độ và thời hạn được giao, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết Quyết định số 1658/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn; lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường; định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Vụ trưởng Lê Việt Anh cho biết ngay sau khi Ban soạn thảo và Tổ biên tập được thành lập, trên cơ sở nội dung của Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu sơ bộ một số nội dung và kế hoạch cụ thể triển khai xây dựng Kế hoạch hành động.
“Mặc dù, thời gian xây dựng Kế hoạch hành động rất gấp, khối lượng công việc lớn nhưng với tinh thần nỗ lực, tích cực của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, sự hỗ trợ thường xuyên từ phía GIZ, Kế hoạch hành động sẽ được xây dựng đảm bảo tiến độ và chất lượng", Vụ trưởng Lê Việt Anh tin tưởng.
Thời gian qua, Ban soạn thảo và Tổ biên tập tập trung thảo luận về cách tiếp cận và định hướng xây dựng kế hoạch hành động 2021-2030, đảm bảo tính khả thi trong công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; cách xây dựng các hoạt động cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ tăng trưởng xanh theo các chủ đề hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Vùng với đó, là nâng cao nhận thức, giáo dục, phát triển nhân lực; huy động nguồn lực tài chính và đầu tư; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động cần được gắn kết theo nhóm hoạt động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và ưu tiên.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã thảo luận về các nội dung nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ được đề ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đảm bảo tính hiệu quả trong triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo trong thời gian tới.
Chiến lược sẽ tập trung vào các vấn đề như cách tiếp cận, phân loại các nguồn lực tài chính thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030; xây dựng danh mục chương trình, dự án, đề án ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và ưu tiên với các nhóm hoạt động tương ứng.
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)