Sửa luật nhằm khắc phục điểm nghẽn thu hồi tài sản án tham nhũng, kinh tế
Với cơ chế mới, Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế.
Sáng 24.1, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 9 luật: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đầu tư, Nhà ở, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đại diện Bộ Tư pháp trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo
Luật Thi hành án dân sự sửa đổi cho phép mở rộng cơ chế ủy thác xử lý tài sản cùng lúc trên nhiều địa phương khi các tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ở nhiều địa phương khác nhau. Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, cơ chế này được kỳ vọng sẽ khắc phục “điểm nghẽn” thu hồi tài sản tham nhũng thời gian vừa qua.
Theo ông Hà, dù thời gian gần đây có tiến bộ hơn, song việc thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, trung bình chỉ đạt 10%. Điểm nghẽn là do cơ chế ủy thác xử lý tài sản trong luật hiện nay bắt buộc phải thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác. Luật sửa đổi lần này bổ sung cơ chế mới cho phép đồng thời xử lý tài sản tại cả 5 địa phương. Như vậy, sẽ xử lý nhanh và triệt để hơn, khắc phục điểm nghẽn trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tài sản thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, quy định ủy thác thi hành án từng phần dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Quy định cũ buộc phải chờ địa phương này xong mới được ủy thác thi hành án ở địa phương kia. Trong thời gian đó cũng có kẽ hở dẫn đến thất thoát tài sản. Với cơ chế mới Chính phủ kỳ vọng thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, việc một luật sửa nhiều luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ông Hiếu cũng thông tin, sau khi luật sửa đổi 9 luật được công bố, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản luật theo quy định để người dân có thể tra cứu.
Mặc dù được thông qua tại kỳ họp bất thường vừa qua nhưng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành đánh giá tổng kết thực tiễn, phát hiện các vướng mắc từ sớm và trình Quốc hội từ tháng 6.2021. Các chính sách lớn đều được các bộ ngành xây dựng báo cáo tác động và báo cáo Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định chi tiết. Các chính sách cũng được tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khá cụ thể.
Theo Luân Dũng (TPO)