Ngày không thuốc lá!
Từ nhiều năm qua, ngày 31.5 hàng năm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy là “Ngày thế giới không thuốc lá” nhằm cảnh báo về những tác hại và nguy cơ do việc hút thuốc lá gây ra. Theo cảnh báo của WHO, việc sử dụng thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên thế giới. Tính trung bình mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì các căn bệnh có nguyên nhân liên quan đến việc hút thuốc lá gây ra - cao hơn bất cứ nguyên nhân gây tử vong nào khác. WHO dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 8 triệu người chết/năm do sử dụng thuốc lá (trong đó 70% là từ các nước đang phát triển), nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng vào hàng các nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới với tỉ lệ trên 50% nam giới từ tuổi trưởng thành trở lên hút thuốc lá và hơn 60 triệu người chịu ảnh hưởng của khói thuốc (hút thuốc thụ động). Thuốc lá là nguyên nhân gây ra trên 40.000 người chết mỗi năm, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng đã công bố, mỗi năm nước ta tiêu tốn tới 22.000 tỉ đồng cho việc hút thuốc lá. Đồng thời, mỗi năm Chính phủ cũng phải chi khoản kinh phí khổng lồ, lên đến trên 1.000 tỉ đồng, tương đương với 20% tổng chi tiêu ngân sách cho y tế, để điều trị cho những người mắc các căn bệnh phổ biến có nguyên nhân từ hút thuốc như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (!).
Mặc dù trong những năm gần đây ngành y tế đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đưa ra các khuyến cáo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe…, nhưng số người hút thuốc lá không vì thế mà giảm đi. Từ ngày 1.5.2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, số người hút thuốc lá vẫn không hề giảm đi, tình trạng buôn bán thuốc lá vẫn diễn ra công khai. Đến bất cứ nơi công cộng nào, cũng có thể thấy rất nhiều người hút thuốc lá, không chỉ nam giới mà cả nữ giới, thậm chí cả trẻ vị thành niên cũng hút thuốc lá. Việc hút thuốc diễn ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả những nơi có biển cấm hút thuốc, thậm chí ngay trong trường học hay trong khuôn viên bệnh viện.
Để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc lá, điều quan trọng là việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cần được tăng cường nhiều hơn, thực chất hơn. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc cấm quảng cáo thuốc lá toàn diện, kiểm soát việc mua bán thuốc lá chặt chẽ, áp thuế cao cho mặt hàng thuốc lá… nhằm giảm số lượng những người bắt đầu hút và số lượng người sử dụng thuốc lá. Việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá là cách tốt nhất để hạn chế hậu quả của thuốc lá trong đời sống cộng đồng.
Khói thuốc lá chứa hàng ngàn chất độc hại đối với sức khỏe con người. Việc hút thuốc không chỉ làm tổn hại cho sức khỏe của chính bản thân người trực tiếp hút mà còn làm hại đến cả những người xung quanh do hậu quả phải hít khói thuốc lá một cách thụ động. Hãy từ bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng, đó là lời khuyên của các thầy thuốc dành cho tất cả mọi người.
Hôm nay là ngày 31.5 - “Ngày thế giới không thuốc lá”! Chúng ta hãy hành động vì một môi trường không có khói thuốc lá!
Vĩnh Tường