Nghe lời đá gọi
Có người nói rằng một trong những thành tố làm nên hồn vía và vẻ đẹp của Bình Định là... đá. Thử hình dung xem, nếu không có những vừng đá trời cho, nước non Bình Định liệu có hùng vĩ và diễm lệ như chúng ta từng biết?
1. Nơi đá ở thường là núi. Người Bình Định cư trú trong sự che chở của những dãy núi thuộc hệ sơn mạch Nam Trung bộ mưa nhiều nắng gắt. Núi Bình Định phần lớn là cốt đá cứng rắn làm điểm tựa cho đất đai nhuần nhị. Những tòa sơn thạch vạm vỡ bám sâu vào đất, vươn vai đỡ lấy mái rừng xanh thẫm bên trên. Khác với các hang động thạch nhũ thơ mộng kỳ ảo từ vùng Quảng Bình ra Bắc, trong lòng núi Bình Định có nhiều hang đá cứng và kín gió, không gian sinh trú lý tưởng của nhiều loài động vật quý. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, hang núi Bình Khê là vùng sản sinh nhiều ngựa rừng, còn theo truyền ngôn dân gian, hang Ngà Voi thuộc dãy Hội Sơn là linh địa của voi núi, những cụ voi già đi xa núi cũ đến đâu cũng tìm về đây trút ngà trước khi hóa kiếp.
Phía Tây Bình Định còn có những vách núi đặc sắc, đá chồng lên đá tầng tầng lớp lớp. Thắng cảnh Tà Cơn ở Vĩnh Sơn chính là nơi đá tự xây thành. Từ kẽ đá rêu trổ vàng trổ xanh ngoạn mục, rễ cây quấn quýt như đan như khâu các phiến đá thành tấm áo giáp của sơn thần. Sau bức thành đá bí ẩn đó là dải rừng nguyên sinh rậm rạp, chốn ngụ cư của muông chim muông thú. Vượt lên nhiều loài, rùa núi vàng Vĩnh Sơn xếp vào hàng dược phẩm cực quý, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo về tim mạch, sốt rét rừng. Tôi biết một nghệ nhân Bana ở Vĩnh Sơn, vài ba tháng anh mới xuống Quy Nhơn một lần, lưng gùi nồng nàn hương núi: Mật ong, rau rừng, măng khô, thỉnh thoảng có rùa núi vàng. Có lần anh mang tới nhà bác sĩ Thái Phục Hanh một cụ rùa trăm tuổi, thân vừa bằng bàn tay người lớn, lưng vàng ruộm với những khía mai khi bắt nắng ánh lên màu huyền lục.
Hòn Chuông thuộc dãy núi Bà ở xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ). Ảnh: H.K.P
Một người Pháp bạn của bác sĩ Thái Phục Hanh, ông Frank Polidano - kỹ sư thiết kế thủy điện Vĩnh Sơn - quan sát cụ rùa một cách thú vị rồi ngỏ lời đặt mua vài chú rùa núi con. Người Bana xua tay: “Rùa con nhiều tiền mấy mình cũng không bắt”. “Tại sao?”. “Già làng dạy mình phát rừng không chặt cây non, không hại thú mang thai, chim ấp trứng, không bắt thú non, chim con trong tổ. V ậy mới còn rừng nuôi mình sống chớ!”. Câu trả lời của anh khiến những người có mặt ngạc nhiên và xúc động.
Vẻ đẹp thượng nguồn thấm đẫm những người như anh chàng nghệ nhân Vĩnh Sơn. Phải chăng vì có họ ở đấy, nên khi tôi ngước mắt lên, thành đá Tà Cơn không còn là cõi hoang linh bí hiểm mà ngược lại, đầy ắp sinh khí đại ngàn, thứ sinh khí được trời đất và con người cùng dang tay bảo vệ?!
2. Bình Định của tôi là không gian mà di sản Chăm có mặt khắp nơi để xác tín một nền văn minh đá. Cùng với các di chỉ tháp cổ, Bình Định có những pho tượng đá nguyên khối bị chìm lấp bởi các cơn địa chấn, ôm hồn phách đợi chờ trong lòng đất hàng trăm năm, đến khi xuất lộ trở lại vẫn lồng lộng vẻ đẹp hiển linh vô tả. Ấy là cặp tượng ông Đen ông Đỏ chùa Nhạn Sơn, tương truyền nhà ai có trẻ sơ sinh hay khóc đêm, cha mẹ về chùa thắp hương rồi chuyền đứa nhỏ dưới thân tượng là sẽ yên. Ấy là đôi voi đá thành Đồ Bàn, bước chân uy mãnh của voi vương dường như muốn tiến gần hơn đến bên voi hậu xinh đẹp với diềm cổ kết hoa, với vương miện điệu đà đang vẫy tai nũng nịu cách đó chưa đầy trăm thước. Bao lứa đôi đã tìm đến Đồ Bàn, khẽ khàng chạm vào đôi voi, thầm khấn nguyện một tình yêu son sắt.
Ghé thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bạn sẽ gặp những pho tượng thần, những bộ linh vật sinh thực khí linga - yoni bằng đá đẹp nhất ghi xuất xứ từ Bình Định. Phong cách điêu khắc ấy không hề xa lạ với những bảo vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Vẫn là năng lực sáng tạo và hủy diệt bao trùm vũ trụ tỏa ra từ dáng ngồi thẳng nghiêm nghị, đôi tay bắt quyết trước ngực và những cánh tay khác giương cao pháp khí của thần Brahma. Trong khi đó, khát vọng hạnh phúc phảng phất ở cái nghiêng đầu duyên dáng với nụ cười mơ hồ trên gương mặt nữ thần Sarasvati ba đầu, tay trái cầm hoa sen, tay phải cầm chuỗi ngọc, hai tay chắp trước ngực giữ túi thiêng. Mỗi nếp lượn tỉ mỉ của hoa văn sóng nước ở các bệ tháp, mỗi nét chuốt cánh chim vẫy bay mềm mại trên đỉnh tháp Cánh Tiên, cho thấy tiền nhân Vijaya bản địa của chúng ta rất giỏi chế tác đá trong kiến trúc và điêu khắc, để đời đời cảm nhận tiếng nghìn xưa vang vọng.
3. Đá Bình Định phân bố trùng điệp từ núi xuống biển. Những danh thắng biển đẹp nhất của Bình Định như: Kỳ Co, Eo Gió, Ghềnh Ráng, Trung Lương, Lộ Diêu đều có sự góp mặt của đá, bởi đó là những nơi núi nhoài ra biển để nói với trùng khơi về vẻ đẹp hùng tráng, về tình yêu và bản lĩnh của mình.
Bãi tắm Hoàng Hậu còn gọi là bãi Trứng (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) với những viên đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng, xếp chồng lên nhau trên bãi biển. Ảnh: NGUYỄNPHƯỚC HOÀI
Đối ngẫu với danh thắng biển là chuỗi danh thắng Núi Bà đã và đang không ngừng được bổ sung bởi các công trình nhân tạo. Nhưng sức thu hút của các quần thể mới vẫn chưa thể địch nổi các thắng tích nguyên thủy từng thách thức bể dâu. Điển hình là chùa Ông Núi với hang Tổ gồm ba thớt đá đen khổng lồ tạo lập giang sơn bên mạch suối Dũng Tuyền. Dọc đường về Chung Sơn, Núi Bà kỳ vĩ bày rất nhiều thạch trận. Đá ngồi, đá đứng, đá cõng nhau, đá tình nhân, đá phu thê, đá phụ tử, đá mồ côi... đủ loại.
Vô số mỏm đá trắng ngoạn mục nhô ra từ ngách núi hay vắt vẻo bên sườn núi, có cả ông đá nghịch ngợm ngồi một mình trên đỉnh núi ngắm mây qua.
4. Người Bình Định may mắn sở hữu một nguồn tài nguyên đá dồi dào cùng với di sản lịch sử - văn hóa quý giá mà tiền nhân đã kiến tạo trên nền tài nguyên sông núi. Sẽ là may mắn nếu chủ nhân di sản biết khai thác và kế thừa để phát huy. Nhưng dường như mấy chục năm qua, chúng ta chỉ đẩy mạnh chẻ đá mà chưa chú ý đúng mức đến việc kế thừa. Khi mải mê chẻ đá, nhiều khi ta lãng quên sự vặn mình nung nấu và đau đớn của tự nhiên, thậm chí không cần cân nhắc vũ trụ phải mất bao nhiêu thời gian để các loại khoáng chất kết thành tinh thể. Chính trên kẽ hở lãng quên này, đã có những hang núi sập, và rồi những ngọn núi sẽ lần lượt ra đi.
Ngày trước, Hàn Mặc Tử bỗng dưng thất tình muốn khóc, định lên non mượn đá để ngồi:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi, hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ...
Những mỏm đá trắng mà Hàn Mặc Tử muốn tìm thuở ấy, chúng rủ nhau về ngồi ở Núi Bà. Nhưng với cái đà người ta đua nhau xẻ đá, không biết sau này, người Bình Định muốn tìm đá trắng, sẽ tìm nơi đâu?
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG