Dấu xưa thành cổ Bình Định
Thành Bình Định là một tòa thành cổ nằm ở trung tâm TX An Nhơn, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1810 với vai trò là thủ phủ của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định. Những thông tin từ Di sản Mộc bản triều Nguyễn cho chúng ta hiểu hơn về tòa thành đặc biệt này.
Trước khi xây thành Bình Định mới, thủ phủ của đất Quy Nhơn nằm tại vị trí thành Hoàng Đế do Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc trấn lĩnh. Đây được xem là kinh đô của nhà Tây Sơn thời kỳ đầu. Về lịch sử tòa thành, mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 13 có ghi: “Thành cũ Chà Bàn: Ở địa phận 3 thôn Nam Định, Bắc Thuận và Bả Canh về phía Đông Bắc huyện Tuy Viễn. Xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ có nghê đá, voi đá, đều của người Chiêm Thành. Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong, tiếm xưng là thành Hoàng đế. Năm Kỷ Mùi (1799), đầu đời Trung Hưng khi mới thu phục được đất này, đổi tên là thành Bình Định…”.
Như vậy thành Bình Định trước khi vua Gia Long lên ngôi là thành Hoàng Đế được xây trên nền cũ của thành Đồ Bàn xưa, cũng chính là kinh đô của nước Chiêm Thành. Còn việc chúa Nguyễn Ánh cho đổi tên từ thành Hoàng Đế sang thành Bình Định không chỉ mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí mà cả mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 10, mặt khắc 39 cũng cho biết: Tháng 6, năm Kỷ Mùi (1799), sau khi lấy lại được thành ở Quy Nhơn (tức là thành Hoàng Đế) của triều Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã cho đổi ngay tên thành là thành Bình Định - “Quân ta lấy lại được thành Quy Nhơn. Thái phủ giặc là Lê Văn Ứng đã thua, trong thành quân ít lương cạn. Đại tổng quản giặc Lê Văn Thanh, Thượng thư binh bộ Nguyễn Đại Phác và Thiếu úy Trương Tiến Thúy dâng biểu xin đem thành đầu hàng... Bèn cho xa giá vào thành. Bọn Thanh cùng tướng tốt 1 vạn 3 trăm người đều tự trói cổ lạy phục. Vua sai tuyên chỉ yên ủi, và cho 5.000 quan tiền để chia nhau. Đổi tên thành là thành Bình Định”.
Sau khi đánh bại triều Tây Sơn, vào năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. 8 năm sau, tức vào năm Canh Ngọ (1810), vua Gia Long đã cho dời thành đến một địa điểm khác, thành Hoàng Đế cũ bị phế bỏ. Việc dời đến vị trí mới của thành Bình Định mới cũng được mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 40, mặt khắc 27 ghi lại: “Dời trấn thành Bình Định đến Tân An (tên xã thuộc huyện Tuy Viễn)… Quan trấn thành thấy dân đương làm ruộng, xin sai 17.500 người, chia làm hai ban, 10 ngày thay một lần. Lại xin hoãn bắt lính một tháng. Vua đều theo lời. Ruộng đất nào bị mở vào, sai cấp cho 4 phần 10 giá tiền”.
Để xây dựng tòa thành mới, vua Gia Long cho phá phần lớn thành cũ để lấy vật liệu. Ngày nay thành Hoàng Đế chỉ còn lại một số di tích của Tử Cấm thành như cổng chính, hồ bán nguyệt… Còn thành Bình Định mới được vua Gia Long cho xây theo kiến trúc Vauban, một hình mẫu phổ biến ở phương Tây vào thế kỷ XVIII. Dưới triều Nguyễn, thành giữ một vị trí quan trọng và có giá trị về nhiều mặt kiến trúc, quân sự, nghệ thuật... Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cùng với thời gian và chiến tranh, thành Bình Định đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách và cửa Đông được mô phỏng lại, bên trên có tầng lầu.
CAO THỊ QUANG