Người thổi hồn cồng chiêng ở làng M6
Ông Đinh Cao (52 tuổi, Bí thư chi bộ thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, ảnh) được đồng bào tin cậy, xem như người giữ hồn văn hóa dân tộc Bana khi chịu khó tìm hiểu về nhiều loại nhạc cụ và luôn quan tâm việc truyền dạy cồng chiêng, các điệu múa truyền thống cho lớp trẻ trong làng.
Ông Đinh Cao kể: Nói về nhạc cụ Bana thì cồng chiêng là nhất, nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu, còn có đàn t’rưng, đàn h’đon, đàn a’ró và kèn atip... Từ nhỏ, hình ảnh trai làng đánh cồng chiêng mạnh mẽ, các thiếu nữ uyển chuyển múa xoang khắc ghi trong tâm trí của tôi. Tiếng cồng chiêng vang lên là tín hiệu làng bình yên, trong sâu xa là không gian giao kết thần linh với cộng đồng.
Từ năm 2007, sau khi hệ thống các kiến thức, hiểu biết đã tích lũy được, ông Đinh Cao bàn với người già trong làng thành lập đội múa cồng chiêng với ước mong giúp cho thế hệ trẻ tiếp cận và yêu quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc.
Thời gian đầu thành lập, đội cồng chiêng chỉ thu hút vài người độ tuổi trung niên đến tham dự. Do đó, ông Cao đã không ngại nắng mưa để đi đến từng nhà vận động lũ trẻ trong làng đến tham gia. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, các gia đình dần nhận thấy sự tận tâm và nhiệt huyết của ông nên đã hết lòng giúp đỡ, động viên con em theo học.
Anh Đinh Tứ, một thanh niên ở làng chia sẻ: Ban đầu tôi kém lắm, nhờ bác Cao kiên trì chỉ bảo tôi nay tôi biết đánh cồng chiêng, cùng bà con tham gia các lễ hội văn hóa của làng. Đánh được rồi là mê thích lắm.
Tương tự, chị Đinh Thị Nhung cho biết: Bác Cao chỉ dạy chúng tôi những điệu múa truyền thống của dân tộc Bana từ múa xoang đến múa lễ hội đâm trâu, múa mừng lúa mới… Càng hiểu tôi càng thêm yêu truyền thống văn hóa dân tộc mình.
Ông Huỳnh Anh Kiệt, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tây Sơn, nhìn nhận: “Việc sưu tầm, khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tây Sơn hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thế hệ trẻ chưa hiểu hết về văn hóa cồng chiêng của dân tộc; số người biết biểu diễn cồng chiêng không nhiều. Do vậy, vai trò của người như ông Đinh Cao rất quan trọng trong việc truyền đạt cho thế hệ sau nét văn hóa độc đáo này. Và nhờ sự nhiệt huyết của ông mà cồng chiêng ở làng M6 dần được khôi phục, đội Cồng chiêng của làng thường đạt giải cao trong các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số do huyện, tỉnh tổ chức”.
ĐINH NGỌC