Bảo vệ sức khỏe cho dân đón xuân, vui Tết
Chỉ còn 10 ngày nữa là đến tết Nguyên đán, Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, về công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân trong dịp này.
Ông LÊ QUANG HÙNG, Giám đốc Sở Y tế
* Thưa, ông có thể đánh giá tổng quan về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Định hiện tại và dự báo vào dịp tết Nguyên đán sẽ như thế nào?
- Còn khoảng 10 ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc. Phải nói hiện nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn tiếp tục nhưng có nhiều nét mới, nhất là việc chúng ta càng ngày thích ứng an toàn tốt hơn. Trước hết là số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định có xu hướng giảm đáng kể. Điều thứ hai là dù số ca bệnh của chúng ta tăng nhưng số bệnh nhân nặng không cao, chiếm tỷ lệ từ 0,02 - 0,03%. Tỷ lệ tử vong là 0,04%, thấp hơn so với tỷ lệ tử vong chung của cả nước (1,8%). Như vậy cả hai yếu tố trên cho thấy hiệu quả rất rõ ràng của công tác tiêm vắc xin.
Hiện tại, đối với người từ 18 tuổi trở lên, có 99,6% dân số được tiêm mũi 1 và 93,7% được tiêm mũi 2. Tỷ lệ đó và cùng với hơn 22.000 người đã khỏi bệnh nữa, tôi tin chắc chúng ta coi như đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện có 96,6% được tiêm 1 mũi vắc xin, các địa phương tiêm từ đây đến 28 Tết thì tỷ lệ người được tiêm 2 mũi vắc xin sẽ trên 90%.
Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện tiêm vét, tiêm mũi bổ sung, tiêm mũi nhắc lại cho đối tượng có nguy cơ như trên 50 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, nhất là người lớn tuổi không đi lại được…
Bây giờ thực hiện thích ứng an toàn nên các hoạt động gần như trở lại bình thường. Tuy nhiên, việc tập trung đông người, tạo nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp Tết tăng lên. Hơn nữa, dịp Tết vẫn là mùa Đông Xuân, là điều kiện thời tiết lý tưởng lây lan dịch bệnh. Mùa này vẫn là mùa các loại vi rút khác như cúm mùa hoạt động… Khi có sự cộng hưởng của SARS-CoV-2 và cúm mùa độc lực sẽ tăng lên. Đó là những yếu tố làm phát tán dịch bệnh.
* Dịp Tết, công tác đảm bảo an toàn phòng dịch sẽ như thế nào, thưa ông?
- Thật ra thì công việc vẫn còn rất nhiều nên ngành Y tế coi như sắp xếp để tạm nghỉ giải lao một chút rồi lao vào làm việc lại ngay thôi. Bởi chúng tôi còn tiêm vét tại bệnh viện và tiêm vét tại nhà nên vất vả hơn nhiều. Bên cạnh đó chúng tôi thực hiện tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại và ưu tiên tiêm cho đối tượng nguy cơ trước. Và tiêm cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi. Chúng tôi cố gắng theo chỉ đạo của Chính phủ là tháng 1 phải xong liều bổ sung và liều nhắc lại. Thứ 2 là công tác điều trị F0 đặt lên hàng đầu. Ngành Y tế và các địa phương chuẩn bị rất sớm công tác chăm sóc và điều trị F0 tại nhà. Cho nên tỷ lệ chăm sóc điều trị F0 tại nhà hiện đạt 84% với khoảng hơn 4.000 ca/ngày. Đây là điều mà chúng tôi rất là mừng.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực tiêm vét vắc xin phòng Covid-19, tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người dân. Ảnh: T. KHUY
Bên cạnh đó, các bệnh viện lớn như BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, TTYT TP Quy Nhơn điều trị các ca bệnh nặng. Đặc biệt là BVĐK tỉnh điều trị cho khoảng 20 ca Covid-19 nặng/ ngày, rất gian khổ. Do vậy, lực lượng y tế tiếp tục cố gắng hết sức để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trong dịp tết Nguyên đán.
Ngoài ra, Tết còn gắn liền với nguy cơ cao TNGT, tai nạn sinh hoạt, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vấn đề này cũng phải đảm bảo công tác y tế. Đồng thời, các dịch bệnh trong mùa Đông Xuân cũng rất nhiều như tiêu chảy, sốt xuất huyết… ngành Y tế cũng tiếp tục theo dõi.
*Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vui xuân đầm ấm an toàn, ông có khuyến cáo gì cho người dân?
- Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện để người dân được có dịp lễ, Tết an vui, sum vầy, đầm ấm. Do vậy, với việc người dân từ các địa phương khác về ăn Tết, Bình Định không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhưng nếu còn 1% hoặc 0,5% trong tổng dân số từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin cũng sẽ là nguy cơ rất lớn. Đối với Covid-19, người nào chưa tiêm mà bị tấn công sẽ khác ngay, trong khi đó, đối với bệnh dịch thông thường chúng ta đạt 80% miễn dịch cộng đồng thì vi rút đó sẽ giảm độc lực ngay lập tức. Đồng thời tại Bình Định có trên 95% người mắc bệnh là đã tiêm vắc xin rồi. Bên cạnh đó, dù đã tiêm vắc xin thì vẫn có khả năng nhiễm vi rút hoặc mắc bệnh. Hơn nữa vẫn có nhiều trường hợp là người lành mang trùng, có nghĩa là người đó không có biểu hiện bệnh và không mắc Covid-19 nhưng có thể lây lan cho người khác; hoặc nhiều người trẻ, khỏe bị nhẹ vì sức khỏe tốt nhưng lây cho 5% những người yếu thế trong dân số thì tạo ra nguy cơ tử vong khủng khiếp.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh, mọi người nên tự test. Càng ngày việc tự test càng đơn giản, vừa đỡ tốn tiền, vừa vệ sinh. Nguyên tắc bất di bất dịch trong phòng chống dịch là phát hiện sớm, càng sớm càng tốt để giảm khả năng lây lan cho những người xung quanh. Thứ hai là tuyệt đối không nên giấu bệnh. Trên thực tế, một số trường hợp mắc bệnh không khai báo sau đó trở nặng rất nhanh mới gọi cấp cứu. Như vậy là tự mình làm hại mình. Do vậy, khi phát hiện mắc bệnh mọi người nên báo y tế để được chăm sóc điều trị kịp thời. Thứ ba là tránh tụ tập đông người, nếu đi thăm hỏi cũng nên giữ khoảng cách. Điều cuối cùng là những ai chưa tiêm vắc xin thì nên đi tiêm khi có thông báo của y tế, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)