Cổ tức ngân hàng thua gửi tiết kiệm
Lợi nhuận năm 2012 của giới nhà băng sụt giảm mạnh, nguy cơ nợ xấu còn rất lớn khiến cả giá cổ phiếu ngân hàng cứ rơi rớt dài, đẩy giới đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng rơi vào tình cảnh thua lỗ lớn.
Cổ tức nhiều ngân hàng còn thấp hơn lãi tiết kiệm.
Đến giờ này, cổ tức năm 2012 của một số ngân hàng chỉ ở mức 2-3% so với mệnh giá trong khi đó lãi suất tiết kiệm là 7-10%.
Đại hội đồng cổ đông 2012 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) quyết định không chia cổ tức 2012. Điều này được nhiều cổ đông của SHB dự đoán trước bởi lợi nhuận của ngân hàng ở mức quá khiêm tốn.
Kết thúc năm 2012, lợi nhuận sau thuế còn lại của SHB chỉ hơn 26 tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với vốn điều lệ 8.865 tỷ đồng của ngân hàng này. Không những vậy, nguy cơ lợi nhuận thấp thậm chí vốn bị bốc hơi trong năm 2013 còn rất lớn khi nợ xấu của SHB lên tới hơn 5,000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,8% tổng dư nợ.
Lãi suất huy động ngân hàng được cho là thấp nhưng lượng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Điều này làm dấy lên suy nghĩ, thay vì nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng trong lúc thị trường chứng khoán còn phập phồng rủi ro, thì họ có nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng để nhận lãi suất cao hơn cổ tức cùng với sự an toàn.
Một “đại gia” trong ngành ngân hàng khác là STB cũng có tỷ lệ cổ tức khiêm tốn. Được biết, STB dự kiến chia cổ tức năm 2012 là 6% trên mệnh giá, thấp hơn rất nhiều so với mức 13-16% theo kế hoạch đầu năm.
Ngoài mức cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông của STB còn nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2011 là 14% và 15% từ thặng dư vốn cổ phần. Như vậy, cổ đông của STB sẽ có nhiều cơ hội để tăng số lượng cổ phiếu STB mà họ đang nắm giữ. Tuy nhiên, thực chất đây là việc pha loãng cổ phiếu, đối với ai trông đợi cổ tức bằng tiền có thể sẽ cảm thấy thất vọng.
Quan sát cho thấy những ngân hàng trả cổ tức thấp vài phần trăm hoặc không trả cổ tức đều là các đơn vị có lợi nhuận năm 2012 sụt giảm hoặc đang mang gánh nặng nợ xấu.
Chẳng hạn, Đại hội thường niên ngày 7.3 của Ngân hàng Phát triển Mê Kông quyết định cổ tức 2012 tỷ lệ 2,5%, tương đương 93,75 tỷ đồng trong số hơn 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trên tổng vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng.
Theo tài liệu họp Đại hội thường niên 2013 sắp tới, Ngân hàng Phương Nam (Sourthern Bank) cũng thừa nhận mức cổ tức năm 2012 tỷ lệ 2,1% là tương đối thấp. Được biết lợi nhuận năm 2012 của Sourthern Bank là hơn 120 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều đánh giá năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của nợ xấu, thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán chưa khởi sắc, sản xuất kinh doanh vẫn còn trì trệ.
Do lợi nhuận mà ngân hàng đặt ra trong năm mới chỉ tăng trưởng 5-15%, tỷ lệ cổ tức dự kiến cho cổ đông cũng không còn hấp dẫn nữa. Cụ thể, năm 2013, Ngân hàng Mê Kông đưa ra kế hoạch cổ tức chỉ vỏn vẹn 5,5%.
Nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch cổ tức năm mới dưới mức 10% như Ngân hàng Sacombank là 9-10% vốn cổ phần, Ngân hàng SHB và Sourthern Bank dự kiến cổ tức 8%.
Theo một chuyên gia tài chính, cổ tức không phải là tiêu chí duy nhất để đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên, đối với cổ phiếu ngân hàng tiềm năng tăng trưởng không còn lớn, khả năng đột biến về giá cũng không cao do “bão hòa” thì cổ tức đóng một vai trò rất quan trọng. Mới đây, Quỹ đầu tư MAFPF1 cho biết trong chiến lược đầu tư sẽ cẩn trọng với cổ phiếu hai ngành bất động sản và ngân hàng.
. Theo TPO